Dạy nghề cho ngư dân

06:11, 12/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những làng biển ở Quảng Ngãi cũng như các tỉnh khu vực miền Trung, mỗi lần mở biển là cả làng phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm người đi biển. Khan hiếm trầm trọng lao động biển nên có đủ ngư dân cho chuyến biển là đã mừng, không mấy ai tính đến chuyện ngư dân đó có giỏi nghề hay không? Vậy thì liệu những ngư dân trên các tàu cá này có làm nghề cá được một cách chuyên nghiệp?

TIN LIÊN QUAN

Điểm qua với nghề khai thác cá ngừ đại dương, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Trung, trong đó có một số vùng ven biển Quảng Ngãi. Một nghịch lý kéo dài từ nhiều năm qua là trong khi mỗi năm sản lượng cá ngừ ở Việt Nam khai thác khoảng 16.000 tấn, thì chỉ có 20% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chất lượng cá ngừ còn thấp vẫn là do cách làm chưa mang tính chuyên nghiệp, không chỉ cá ngừ mà với nhiều loại hải sản khác cũng vậy. Tuy nhiên, tạo tính chuyên nghiệp trong điều kiện sản xuất hiện nay là một vấn đề rất khó. Bởi các thuyền viên khi đi trên tàu đánh bắt hải sản, họ thấy tàu nào làm ăn có lãi thì tham gia, sau đó nếu không có lãi thì đi tàu khác. Thậm chí có nhiều trường hợp thuyền viên sau khi tạm ứng tiền trước từ chủ tàu đã bỏ trốn.

Theo dự báo đến năm 2020, dân số các tỉnh ven biển trong nước sẽ tăng lên khoảng vài chục triệu người. Riêng Quảng Ngãi, với  4 huyện, thành phố ven biển và một huyện đảo có lực lượng lao động nghề cá rất lớn. Nhưng đằng sau lực lượng lao động tưởng như dồi dào này lại bộc lộ sự thiếu bền vững, khi lao động nghề cá có trình độ hạn chế, nhất là ngư dân dễ bỏ nghề biển nếu thu nhập giảm sút.  Như vậy, do thu nhập không cao nên chưa có nhiều ngư dân chuyên nghiệp, mà khi chưa có nhiều lao động nghề biển chuyên nghiệp thì thu nhập của ngư dân lại không cao. Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đào tạo nghề cho ngư dân. Từ năm 2012 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã giao cho Trung tâm Dạy nghề- Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp huyện Bình Sơn phối hợp với các viện, trường đại học và các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề cho ngư dân theo Đề án 1956 của Chính phủ. Tuy nhiên, phần lớn các lớp chỉ mới dừng lại ở việc đào tạo thuyền trưởng và máy trưởng, còn thuyền viên thì rất ít. Ngay cả xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) và Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) là hai xã có lượng tàu cá lớn nhất nhì tỉnh cũng chưa mở được lớp đào tạo thuyền viên nào. Còn về phía lực lượng chức năng (như Bộ đội Biên phòng) thường kiểm tra tàu cá mỗi khi ra khơi chỉ mới yêu cầu bắt buộc các tàu phải có bằng thuyền trưởng, máy trưởng; còn với thuyền viên thì... cho nợ.

Còn nói đến việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên hiện chỉ mới đào tạo trên bờ, trong khi với ngư dân thì làm nghề ở biển. Với nghề cá, ngư dân lâu nay là cha truyền con nối. Con trai từ 15-16 tuổi theo cha ra biển một hai chuyến thì trở thành ngư dân. Chính kiểu đi biển cha truyền con nối, nên những kiến thức cơ bản về nghề cá hầu như không có được sự truyền đạt một cách cụ thể. Một vấn đề nữa hiện nay là trình độ ngư dân rất thấp, nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác cá ở biển hiện lên tới 25-30%.

Chính vì vậy, đào tạo ngư dân chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng ngư dân cũng là cách mà chúng ta đẩy mạnh phát triển nghề biển và nâng cao giá trị thủy hải sản Việt Nam. Đó cũng là những điều mà chúng ta cần tính đến trong việc hiện đại hóa nghề cá ở Việt Nam hiện nay.

PHẠM DANH
 


.