Chuyện một cô giáo trẻ

09:11, 02/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong Lễ kỷ niệm 70 năm nền Giáo dục Việt Nam (1945-2015) và Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ VI, cô giáo Lò Thị Dinh, dân tộc Lô Lô, giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), được chọn là một trong số các gương mặt tiêu biểu của ngành giáo dục lên báo cáo tham luận.

Nhà rất nghèo, muốn có tiền ăn học, từ năm lớp 3 Dinh đã phải bán cơm nắm ở chợ phiên. Cứ mỗi phiên chợ, Dinh lãi được 2.000 đồng. Số tiền này tuy ít ỏi nhưng phụ thêm vào tiền cha mẹ cho ăn học. Dinh bán cơm nắm tới năm lên cấp ba thì em chuyển sang bán… rượu. Rượu ngô đặc sản của Hà Giang. Cũng chỉ lãi được rất ít, nhưng có còn hơn không.

Cô giáo Lò Thị Dinh trường Mầm non Hoa Lan huyện Mèo Vạc – Hà Giang.
Cô giáo Lò Thị Dinh trường Mầm non Hoa Lan huyện Mèo Vạc – Hà Giang.

Cho tới khi vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, Dinh lại nhận việc… quét dọn ký túc xá. Cô phải dậy từ 4 giờ 30 sáng, khi tất cả các bạn trong trường còn say ngủ. Với cái chổi trong tay, Dinh đã làm việc tới sáng để mỗi tháng nhận được một ít tiền thù lao, cộng với số tiền ít ỏi cha mẹ cho là 50.000 đồng, tằn tiện đủ cho Dinh theo học. Vậy mà khi ra trường, về dạy ở Trường Mầm non Hoa Lan, huyện Mèo Vạc, chỉ mới 6 năm đứng trên bục giảng, Lò Thị Dinh đã có 4 năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, một năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Tôi đã có vài lần lên Mèo Vạc. Đây là một trong những vùng du lịch đặc sắc nhất Việt Nam. Nhưng bà con người dân tộc ở Mèo Vạc vẫn còn rất nghèo. Một bé gái bán cơm nắm ở chợ phiên để lấy tiền ăn học, thật tình tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra. Và chắc nhiều người khác cũng như tôi. Ngay tại quê chúng ta, cũng có rất nhiều tấm gương vượt khó hiếu học, nhưng quả thật, chưa có tấm gương nào như Lò Thị Dinh.

Không chỉ vượt khó, hiếu học, Dinh còn tiếp cận rất nhanh với “kinh tế thị trường”. Đi bán cơm nắm, cũng là tham gia vào thị trường. Và cũng chưa bao giờ tôi nhìn đồng tiền 2.000 đồng quý trọng như vậy, khi biết chuyện em bé Dinh mỗi phiên chợ bán cơm nắm chỉ lãi được 2.000 đồng. Đây là câu chuyện cảm động và tuyệt vời về giáo dục mà tôi thấy nên kể lại cho nhiều người biết. Những người biết giá trị từng con chữ, biết giá trị từng đồng 2000 đồng, là những con người sẽ làm nên sự nghiệp lớn. Khi biết quý trọng lao động cực nhọc của người nghèo, và biết quý từng con chữ, biết chắt chiu nó, thì mỗi con người dù xuất thân nghèo khổ thế nào, đều có cơ hội. Cuộc đời không bao giờ bạc bẽo với những người như cô giáo Dinh.

Mèo Vạc là cao nguyên đá. Có thể từ đá đã sinh ra những con người có nghị lực phi thường như vậy. Trên đường Mèo Vạc, từ đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống, sông Nho Quế thăm thẳm đẹp như một chiếc khăn lụa màu xanh. Cô giáo Lò Thị Dinh nói mình rất tự hào về quê hương Mèo Vạc. Thêm một động lực nữa giúp chúng ta nên người. Đó là tình yêu quê hương, đất nước.    
            

THANH THẢO

 


.