(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Qua một năm thực hiện thí điểm mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập giai đoạn 2014-2015, đã đem lại những kết quả bước đầu.
Quảng Ngãi vốn có truyền thống hiếu học. Nhiều gia đình dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn quyết tâm lao động sản xuất nuôi con ăn học nên người. Điều này đã góp phần tạo nên sức lan tỏa cho phong trào xây dựng xã hội học tập.
Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường THCS Tịnh Phong (Sơn Tịnh). |
Xác định được điều đó, trong những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã phát huy mạnh mẽ vai trò, phối hợp cùng các sở, ban, ngành, các tổ chức liên quan và toàn xã hội tham gia đẩy mạnh hoạt động khuyến học, đồng thời tuyên truyền tới các đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình trong việc học tập và cùng chung sức xây dựng xã hội học tập. Nội dung hoạt động khuyến học, thi đua trong học tập gắn với phong trào thi đua yêu nước và việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, tháng 4.2014, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập đến năm 2020”.
Hội Khuyến học tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn quán triệt Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020 và Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020, cũng như Quyết định 485 của UBND tỉnh về xây dựng xã hội học tập đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Hội Khuyến học tỉnh xây dựng các kế hoạch thực hiện.
Tháng 10.2014, Hội Khuyến học tỉnh triển khai thí điểm mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập giai đoạn 2014-2015 tại 14 đơn vị huyện, thành phố, trong đó chọn huyện Mộ Đức và TP.Quảng Ngãi làm thí điểm. Sau một năm triển khai thực hiện mô hình, bước đầu mang lại kết quả đáng mừng. Ông Trần Ngọc Ngân- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, phấn khởi cho biết: “Đây là bước tiến đáng mừng để tạo điều kiện cho mọi người dân học tập và học tập suốt đời. Đặc biệt, các trung tâm học tập cộng đồng đã dần phát huy được hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay, các trung tâm đã mở được gần 2.600 lớp học với gần 157 nghìn lượt người tham gia học tập. Mỗi đơn vị tham gia thí điểm đã chọn 2 xã, phường làm thí điểm; mỗi xã, phường có 2- 3 thôn, tổ dân phố thí điểm; mỗi thôn, tổ dân phố có 2- 3 gia đình thí điểm. Trung ương hội vừa về kiểm tra và đánh giá cao việc triển khai thực hiện ở các địa phương”.
Tại các địa phương thực hiện thí điểm mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, nhận thức của nhân dân nói chung và hội viên khuyến học nói riêng về việc học tập suốt đời đã được nâng cao. Ông Lâm Chuyển - Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Quảng Ngãi, cho biết: Hội Khuyến học thành phố đã chọn thí điểm tại phường Trần Phú và phường Trương Quang Trọng với sự tham gia của 28 thôn, 18 tổ dân phố và trên 3.240 gia đình. Việc triển khai mô hình bước đầu nhận được sự quan tâm của người dân và địa phương. Tuy nhiên theo ông Lâm Chuyển, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động không có, các cá nhân làm công tác khuyến học là kiêm nhiệm, không được hưởng phụ cấp nên ít nhiều về lâu dài cũng ảnh hưởng đến hoạt động khuyến học, khuyến tài nói chung và việc thực hiện mô hình điểm nói riêng.
Xây dựng xã hội học tập là mục tiêu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương cũng như sự chung tay của toàn xã hội.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG