(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, dư luận xã hội quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nhiều người tỏ ra bức xúc trước tài liệu giáo dục kỹ năng sống được một số trường sử dụng có nội dung bị cho là sẽ ảnh hưởng xấu đến học sinh. Dạy kỹ năng sống cho học sinh là hết sức cần thiết, tuy nhiên cần phải cân nhắc sao cho phù hợp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường hiện nay, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội để phát triển toàn diện, tuy nhiên cũng có không ít yếu tố tiêu cực có thể trở thành “cạm bẫy” gây hại đến bản thân, gia đình và xã hội, nếu không được trang bị tốt các kỹ năng để ứng phó.
Thế nào là kỹ năng sống? Có nhiều quan niệm khác nhau về kỹ năng sống, nhưng hiểu một cách khái quát kỹ năng sống chính là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người xung quanh và khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống trong cuộc sống. |
Ngày nay, các hành vi tiêu cực, bạo lực, sống ích kỷ và những lệch lạc về nhân cách… của không ít học sinh cũng chính vì thiếu kỹ năng sống. Ngay cả trong đời sống sinh hoạt thường ngày, lối sống hưởng thụ với sự che chở, bao bọc thái quá của bố mẹ khiến trẻ thiếu tính tự lập, không thể tự lo cho bản thân mình dù là những việc đơn giản nhất như vệ sinh cá nhân.
Nói đến kỹ năng sống của trẻ em hiện nay quả thật rất đáng lo ngại. Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống thế nhưng chưa được quan tâm giáo dục đúng cách. Do đó có không ít trẻ em bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục làm điều sai trái. Thực tế đã xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng, thay vì trách móc trẻ thì cảm thấy thương nhiều hơn bởi các em còn quá non nớt, chưa hiểu chuyện, lại không được bố mẹ, thầy cô giáo dục kỹ năng để đối phó với các tình huống. Ở TP. Quảng Ngãi mới đây xảy ra trường hợp cháu bé học cấp II bị lợi dụng tình dục nhiều lần dẫn đến mang thai. Chị N.T.A.L, làm việc ở một cơ quan tòa án, tâm sự: “Qua xét xử nhiều vụ án, mình cảm thấy sợ không dám để con gái ở nhà một mình, thậm chí ở nhà cùng với những người bà con khác giới. Trẻ cần thiết phải được giáo dục giới tính”.
Học theo mô hình trường học mới giúp học sinh hình thành tốt các kỹ năng sống. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) học theo mô hình trường học mới. |
“Kỹ năng sống rất đa dạng và mang đặc trưng vùng, miền. Việc sử dụng phương pháp và kỹ thuật dạy học cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện dạy học cụ thể. Vì vậy giáo viên cần vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với nhu cầu, trình độ của học sinh và đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể của nhà trường, địa phương”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
|
Cùng với gia đình, nhà trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, là một trong những nội dung cơ bản của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Bộ GD&ĐT đã chuyển hướng từ trang bị kiến thức là chủ yếu sang trang bị những năng lực cần thiết cho học sinh với quan điểm: “Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống”.
Thời gian qua, các trường học giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua tích hợp trong một số môn học cơ bản và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. Ở một số trường dạy kỹ năng sống cho học sinh còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, thiếu hoạt động trải nghiệm thực tế, thiếu các hoạt động giáo dục kỹ năng sống chuyên biệt. Ông Nguyễn Thanh Tại, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh trăn trở: “Đúng là việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn hạn chế, nhất là kỹ năng giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh, kỹ năng ra quyết định, xử lý tình huống… Học sinh hiện nay nhiều em có thái độ vô lễ với cha mẹ, thầy cô”.
Để giúp học sinh nâng cao nhận thức và có hành vi ứng xử đúng mực, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa đã soạn hẳn tài liệu giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh. Ông Trương Quang Dũng-Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ đầu năm học, đích thân hiệu trưởng trực tiếp giảng dạy những kỹ năng sống cơ bản cho học sinh, từ việc chào hỏi, cử chỉ, cái bắt tay, tư cách, tác phong, nói cảm ơn, xin lỗi, đến việc tham gia giao thông… “Ở lứa tuổi học sinh, rất dễ bị lệch lạc nếu không giáo dục kỹ năng sống đúng cách. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chúng tôi luôn chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”, ông Dũng cho biết thêm.
Ở mỗi lứa tuổi, điều kiện sống và ở những vùng, miền khác nhau, các em cần được rèn luyện các kỹ năng sống phù hợp. Giáo viên cần nắm rõ quy trình cũng như cách thức để dạy kỹ năng sống cho học sinh. Với phương pháp dạy đúng cách, tạo không khí thoải mái, không gò ép, áp đặt, bản thân mỗi học sinh sẽ tự mình nhận thức được vấn đề và có hành vi ứng xử đúng đắn.
*Tiến sĩ Phạm Quỳnh-Phó Giám đốc Công ty CP Sách giáo dục thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam: Giáo viên là những người hiểu học sinh của mình nhất, do đó phải biết chọn lựa các kỹ năng sống cần thiết để giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Để giảng dạy tốt kỹ năng sống cho học sinh, giáo viên phải biết rõ thế nào là kỹ năng sống. Hiện nay có nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống “mọc lên”, có nhiều cách hiểu khác nhau về kỹ năng sống, do đó phải tìm hiểu và nắm rõ quan điểm theo tài liệu chính thống. Bên cạnh đó, giáo viên cần phải biết giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là giáo dục cái gì, nắm rõ quy trình, nguyên tắc dạy kỹ năng sống cho học sinh. *Ông Đinh Duy Quang- Trưởng Phòng giáo dục trung học (Sở GD&ĐT tỉnh): Mỗi trường cần phải xây dựng kế hoạch giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tùy vào tình hình thực tế của nhà trường, đặc điểm của địa phương, nhu cầu và khả năng của học sinh. Việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phải chuyển mạnh sang hướng hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Ngành sẽ tăng cường công tác tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó chú trọng tích hợp giáo dục kỹ năng sống vào các bộ môn trong quá trình giáo dục. *Thầy giáo Đàm Vân-Giáo viên dạy môn Thể dục, phụ trách công tác Đoàn, Trường THCS Ba Động (Ba Tơ): Trước đây, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thường hạn chế về kỹ năng giao tiếp, các em thiếu mạnh dạn khi tiếp xúc với những người xung quanh. Tuy nhiên, qua đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường, các em có sự tự tin, mạnh dạn hẳn lên. Theo tôi, cần phải duy trì và đẩy mạnh hơn nữa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Trong môi trường nhà trường, các em tiếp thu kỹ năng sống tốt hơn. *Em Lê Thúy Nhiên-HS lớp 10A01, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa: Trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, em và các bạn được thầy, cô giáo dạy cho nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp. Nhờ vậy, chúng em trưởng thành và ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân. Nói vậy không phải là tốt hết, cũng có một số bạn không làm chủ được bản thân dẫn đến ham chơi, việc học sa sút. Em mong thầy cô giáo trang bị cho chúng em kiến thức về cuộc sống nhiều hơn nữa để chúng em tự tin, chủ động hơn. |
Bài, ảnh: P.LÝ-TR.PHƯƠNG