(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện thành công Nghị quyết chuyên đề số 03 về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ba Tơ. Đó là nền tảng vững chắc để Đảng bộ huyện Ba Tơ tự tin bước vào nhiệm kỳ mới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tạo động lực từ Nghị quyết chuyên đề...
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết, xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế, nên Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 về phát triển nguồn nhân lực. Để cụ thể hóa Nghị quyết 03, huyện ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực; Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...
Nhờ chú trọng phát triển giáo dục mà chất lượng giáo dục của huyện Ba Tơ không ngừng được nâng cao. Ảnh: BS |
Từ các đề án này, huyện đã triển khai thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo và quy hoạch nguồn nhân lực. Trong đó, chú trọng quy hoạch đội ngũ cán bộ trẻ; chú trọng phát triển nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số tại địa phương, vì đây là nguồn nhân lực tại chỗ lâu dài. Công tác đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng hơn. Cụ thể, huyện phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 1 lớp trung cấp hành chính với 57 học viên, 2 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, với 147 học viên tham gia. Cử đi đào tạo đại học 73 đồng chí và sau đại học 9 đồng chí, đào tạo cao cấp lý luận chính trị 14 đồng chí... Bên cạnh đó, huyện chú trọng bồi dưỡng, kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng và đã kết nạp mới 930 đảng viên.
Đại đa số cán bộ, đảng viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy được năng lực, sở trường trong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ đề ra. Đội ngũ cán bộ cấp xã giữ các chức danh chủ chốt có tuổi đời khá trẻ. Đến nay, trong tổng số hơn 200 cán bộ, công chức cấp huyện nhiều người có bằng thạc sĩ, cao cấp chính trị... Đối với lãnh đạo cấp xã, trình độ thạc sĩ có 1 người, 26 người có trình độ đại học... Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tiến hành điều động, luân chuyển 24 trưởng, phó phòng, ban của huyện về giữ các chức danh chủ chốt ở xã và luân chuyển cán bộ giữa các phòng, ban chuyên môn; khối đảng, các hội đoàn thể sang khối nhà nước và ngược lại…
Khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ
Cũng trong nhiệm kỳ qua, huyện Ba Tơ đã tiếp nhận và bố trí 17 sinh viên có trình độ đại học theo Dự án 600 giữ chức phó chủ tịch UBND xã, góp phần đổi mới phong cách làm việc của các xã. Việc luân chuyển, tăng cường điều động cán bộ xuống xã đã làm chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, góp phần làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ cơ sở. Đặc biệt là xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của cán bộ một số xã; đồng thời góp phần khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ địa phương.
Bên cạnh đó, Huyện uỷ còn xác định việc phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục từ bậc mầm non đến phổ thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, xóa mù chữ cho người lớn và từng bước phổ cập THPT...
Để có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ đã chỉ đạo các chi, đảng bộ, các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác đào tạo gắn với quy hoạch cán bộ cho từng giai đoạn; gắn việc bồi dưỡng lý luận chính trị với đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Theo đó, huyện quy hoạch dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy và các chức danh chủ chốt theo hướng mở... Công tác rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch cán bộ được thực hiện đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu theo quy định, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; việc bố trí cán bộ sát với năng lực chuyên môn và sở trường công tác. Nhờ đó, trình độ, năng lực thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cấp ủy được nâng lên về mọi mặt, đặc biệt là uy tín ngày càng được củng cố.
Sông Thương