(Báo Quảng Ngãi)- Bởi năm nay Bộ GD&ĐT đưa ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc (cùng với Toán và Văn) mới nên nỗi!
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhưng nếu không đưa ngoại ngữ vào môn thi bắt buộc, để tình trạng học ngoại ngữ bết bát như hiện nay, thì biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể hòa nhập vào thế giới? Hòa nhập, trước tiên phải là hòa nhập ngôn ngữ. Ngôn ngữ thế giới bây giờ là tiếng Anh. Nếu không biết tiếng Anh, người Việt Nam coi như thua trong mọi cơ hội hòa nhập, mọi cơ hội làm việc, và mọi cơ hội vươn lên trong một thế giới đa ngôn ngữ, nhưng có một “ngôn ngữ chung” này.
Tôi đã có dịp đi Thái Lan, và tôi thấy ở đó những người bán hàng rong cũng biết dùng tiếng Anh khá thành thạo đủ để bán hàng. Học sinh trung học trung bình ở Việt Nam có trình độ tiếng Anh bằng với những người bán hàng rong Thái Lan không? Tôi nghĩ là không bằng, thậm chí kém xa.
Học sinh chúng ta có học ngoại ngữ không? Có, và học rất nhiều. Thời lượng học ngoại ngữ chiếm một vị trí đáng kể trong tổng thời lượng học tập của học sinh phổ thông bây giờ. Nhưng vì sao chất lượng sử dụng tiếng Anh vẫn rất thấp trong học sinh phổ thông? Đó chính là do ở cách dạy, ở giáo trình, ở người dạy. Bây giờ, nhiều trung tâm ngoại ngữ tại các thành phố có chương trình dạy khá tiên tiến, có cả giáo viên tiếng Anh người nước ngoài, thậm chí là người Anh hay người Mỹ.
Nhưng các trung tâm này, trong khi dạy cho học sinh cách tiếp cận tiếng Anh một cách tiên tiến, lại luôn phải nhìn ngó chương trình dạy tiếng Anh trong trường phổ thông, và phải cố gắng làm sao cập nhật được chương trình rất lạc hậu này, nhằm duy nhất một mục đích: Để điểm số học sinh phổ thông đang theo học tại trung tâm đạt cao tại trường phổ thông.
Nhiều phụ huynh học sinh không chấp nhận cho con em mình học tiếng Anh ở trung tâm tốn nhiều tiền mà điểm số lại không cao ngay tại trường phổ thông. Như thế, chương trình học tiếng Anh ở trường phổ thông và ở các trung tâm chuyên dạy tiếng Anh rõ ràng có sự lệch pha. Thế thì bên nào dạy và học tiếng Anh tốt hơn: Trường phổ thông hay trung tâm ngoại ngữ? Câu trả lời đã quá rõ ràng: Chính các trung tâm ngoại ngữ chuẩn mới là nơi dạy tiếng Anh thực sự, và học sinh học ở trung tâm đạt hiệu quả tiếng Anh tốt nhất. Vì thế phụ huynh mới bỏ nhiều tiền cho con em mình học tiếng Anh tại các trung tâm ấy. Nếu ở trường phổ thông cũng dạy tiếng Anh như tiêu chí ở các trung tâm: Dạy nói và nghe trước, nói và nghe thuần thục trước khi dạy đọc và viết, trước khi dạy ngữ pháp, thì tình trạng “dở dở ương ương” về tiếng Anh trong trường phổ thông chắc sẽ được khắc phục. Nhưng yêu cầu này chỉ có Bộ GD& ĐT mới trả lời được. Bộ đừng đổ lỗi cho ai hết, ngoài mình, về tình trạng tiếng Anh bết bát hiện nay trong học sinh phổ thông.
THANH THẢO