Nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ: Áp lực đè nặng

02:08, 11/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT quy định từ ngày 1-20.8, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ. Việc đổi mới thi tuyển, xét tuyển nhằm giảm áp lực, đỡ tốn kém cho thí sinh, tuy nhiên trên thực tế nhiều thí sinh và cả các bậc phụ huynh đang rất lo lắng.  

TIN LIÊN QUAN

Thời hạn kết thúc nộp hồ sơ xét tuyển NV1 vào các trường ĐH, CĐ đang cận kề. Nhiều thí sinh và phụ huynh đau đầu suy nghĩ nên hay không rút hồ sơ để nộp vào các trường ĐH, CĐ khác. Trước quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH, CĐ, không chỉ có thí sinh lo lắng theo dõi tình hình nộp và rút hồ sơ ở các trường ĐH, CĐ, mà ngay cả phần lớn các bậc phụ huynh cũng cảm thấy không yên tâm.  

Nhiều thí sinh đang rất lo lắng khi đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Trường                        THPT chuyên Lê Khiết.
Nhiều thí sinh đang rất lo lắng khi đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Trường THPT chuyên Lê Khiết.


Sau nhiều ngày có mặt thường xuyên trên Internet để theo dõi tình hình nộp hồ sơ vào các trường ĐH, CĐ, anh Võ Văn Của (có con gái học ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn vừa mới tốt nghiệp) nhận định, phần lớn các thí sinh chọn xét tuyển vào những trường ở các thành phố lớn. Còn các trường ở khu vực miền Trung rất ít thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Con gái của anh có điểm khối C là 15,5 nên anh đã tư vấn cho con nộp hồ sơ vào trường thuộc khu vực miền Trung để tăng khả năng đậu ĐH. “Sau khi tìm hiểu thông tin tuyển sinh của nhiều trường, cũng như điểm xét tuyển vào trường những năm trước, tôi đã tư vấn cho con gái chọn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và chọn ngành ngoài sư phạm để đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên cũng phải chọn một trường khác để dự phòng, nếu có nhiều thí sinh có điểm cao hơn nộp hồ sơ xét tuyển thì mình rút hồ sơ nộp vào trường khác”, anh Của cho biết thêm.

Để tăng cơ hội đỗ vào các trường ĐH, CĐ đòi hỏi thí sinh phải cân nhắc hết sức thấu đáo. Em Trần Ngọc Hưng-nguyên là học sinh Trường THPT Chu Văn An (Tư Nghĩa), cho biết em chọn tổ hợp Toán, Lý, Hóa với tổng số điểm là 19 (chưa cộng điểm khu vực) để xét tuyển vào ĐH. Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, Hưng đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Hưng cho biết, em đăng ký xét tuyển vào trường theo thứ tự các ngành Kỹ thuật môi trường đến ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt bậc ĐH, kế đến là ngành Công nghệ chế tạo máy thuộc bậc CĐ. Qua tìm hiểu Hưng nhận thấy đối với các ngành mà em đăng ký, điểm của em cao hơn từ 1-2 điểm so với điểm chuẩn năm trước. Riêng bậc CĐ thì năm trước trường chỉ lấy 13, 14 điểm. Hưng chia sẻ: “Được học ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh là mơ ước từ nhỏ của em nên em đã cố gắng học tập để có thể xét tuyển vào trường. Em đã tính toán rất kỹ và sẽ không rút hồ sơ giữa chừng để nộp vào trường khác”.

Nhiều thí sinh quyết đoán trong việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhất là đối với những thí sinh có điểm thi cao. Tuy nhiên, có không ít thí sinh có mức điểm không cao lắm so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT thì tỏ ra lo lắng và xem tình thế nếu không chắc thì sẽ rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Để kịp thời gian rút và nộp hồ sơ xét tuyển, nhiều phụ huynh và HS phải vào tận trường đã nộp hồ sơ để kịp thời cập nhật thông tin tuyển sinh của trường và rút hồ sơ khi nhận thấy không đủ khả năng trúng tuyển vào trường. Điều này xem chừng như một cuộc “chạy đua” giữa các thí sinh và các bậc phụ huynh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như tốn kém cho các gia đình.

Mặc dù Bộ GD&ĐT có quy định về việc cho thí sinh làm giấy ủy quyền cho người khác rút hồ sơ hộ, nhưng không phải ai cũng có người thân ở tại điểm trường đã nộp hồ sơ để có thể thuận tiện ủy quyền. Trường hợp thí sinh hoặc phụ huynh vào tới trường để rút hồ sơ trúng vào thứ 7, chủ nhật hay thời gian chờ đợi rút hồ sơ lâu sẽ làm ảnh hưởng đến việc nộp hồ sơ vào trường khác. Sau đó lại phải đem hồ sơ đến trường khác, nhất là khi trường thí sinh định nộp hồ sơ tiếp theo ở cách xa trường đã nộp trước đó, thì các em lại phải mất thời gian và chi phí để di chuyển. Đó là chưa nói đến những rủi ro trên đường đi. Ông Huỳnh Nam Thắng- Chuyên viên phòng Giáo dục chuyên nghiệp- thường xuyên (Sở GD&ĐT), có lời khuyên: “Thí sinh phải thường xuyên theo dõi thông tin các trường cập nhật trên trang tin điện tử của trường. Tuy nhiên, cũng cần có sự kiên định, tránh hoang mang và chỉ rút hồ sơ khi nào chắc chắn mình không thể đậu vào trường đã nộp hồ sơ”.

Ngày 20.8 sẽ kết thúc nộp hồ sơ xét tuyển NV1 vào ĐH, CĐ, tính theo dấu bưu điện. Theo ông Bùi Phụ Anh- Hiệu Trưởng Trường ĐH Tài chính- Kế toán,  thí sinh cần tìm hiểu điểm trúng tuyển những năm trước và dùng tổ hợp điểm cao nhất để xét tuyển. Nếu điểm của các em cao hơn điểm công bố của trường từ 2-3 điểm thì khả năng trúng tuyển rất cao. Bên cạnh đó, các thí sinh cũng cần cân nhắc đến khả năng kiếm được việc làm sau khi ra trường. Ông Bùi Phụ Anh cũng cho biết thêm, trong những năm qua, các trường khu vực miền Trung cũng có chất lượng đào tạo khá tốt. Vì vậy các thí sinh ở khu vực có thể chọn lựa những trường phù hợp để vừa tiết kiệm chi phí vừa có điều kiện ở gần gia đình.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.