Khám phá mô hình giáo dục đặc biệt

09:08, 31/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) do Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hợp Quốc tài trợ không hoàn lại giai đoạn 2012 – 2016 được xem là mô hình giáo dục đặc biệt. Bởi nó vừa kế thừa cách giáo dục truyền thống, vừa kết hợp với đổi mới về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học. Qua 3 năm áp dụng thí điểm ở một số trường tiểu học trong tỉnh, bên cạnh những mặt tích cực, mô hình còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Ở lớp học đặc biệt

Năm học 2015-2016, Trường Tiểu học Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) tiếp tục dạy theo mô hình VNEN. Lớp học được dạy theo mô hình VNEN từ năm lớp 2 lên lớp 4 nên khá đặc biệt. Bước vào lớp, thay vì cô giáo giới thiệu lớp học, thì một học sinh được gọi là “Trưởng ban Đối ngoại” nhanh nhẩu đứng dậy chỉ huy lớp chào, rồi tự giới thiệu về lớp mình: “Lớp em có 5 nhóm đại diện cho 5 loài hoa dễ thương là nhóm hoa huệ, hoa hồng, hoa bằng lăng và hoa phượng... Ngoài nhóm còn có các Ban: Học tập, thư viện, đối ngoại, sức khỏe – vệ sinh và Ban thể dục thể thao. Đứng đầu các ban là chủ tịch hội đồng tự quản, và hai phó chủ tịch...”.

 

Cách bố trí phòng học ở một lớp học theo mô hình VNEN.
Cách bố trí phòng học ở một lớp học theo mô hình VNEN.


Mỗi nhóm ngồi học không phải xếp theo dãy bàn thẳng hàng như trước, mà được bố trí theo vòng tròn. Các em quây quần ngồi đối diện nhau theo điều khiển của nhóm trưởng. Không gian của phòng học được bố trí kín các dụng cụ học tập, sinh hoạt, giải trí bổ ích. Nơi thì hộp thư vui, hòm phiếu, hộp cam kết, góc thư viện, góc học tập...

Sau khi giới thiệu về lớp, các em bắt đầu thảo luận bài trong tiết học môn Tiếng Việt. Cô giáo Huỳnh Thị Thu Hương - chủ nhiệm lớp giải thích: “Lớp học ồn ào vậy nhưng các em rất tập trung theo dõi các nhận xét, phân tích, đánh giá bài học của nhóm mình. Sau khi thống nhất thảo luận thì các em đưa tín hiệu là mặt xanh để giáo viên nhận biết nhóm nào đã hoàn thành để tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em”.

Em Võ Tấn Kiên – Phó Chủ tịch Hội đồng tự quản, kiêm Trưởng ban Đối ngoại, bộc bạch: “Mỗi lần thảo luận bài, con thấy có nhiều điều bổ ích. Mỗi bạn có mỗi ý khác nhau xoay quanh nội dung bài học nên bài nhớ lâu hơn, kỹ hơn. Bạn nào chưa hiểu thì bạn nắm vững bài sẽ giảng giải chỉ giúp. Mỗi lần san sẻ con thấy tự hào lắm!...”. Với cách học này, so với trước đây nặng về truyền thụ kiến thức thì các  em giờ đã năng động hơn khá nhiều, đảm bảo được dạy chữ và dạy làm người.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Thương Lê Thị Thanh, cho biết: Mô hình VNEN được triển khai từ năm học 2012 – 2013 đến nay. Lúc đầu cũng khá khó khăn, bởi tài liệu dạy và học trong mô hình không phải sách giáo khoa như trước mà là tài liệu tổng hòa các nội dung dùng chung cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Mô hình VNEN không còn truyền thụ kiến thức một chiều, giảng giải cho cả lớp nghe, mà tập trung theo dõi, hướng dẫn học sinh tự học và hỗ trợ kịp thời từng nhóm khi gặp khó khăn. Các em ngồi học theo nhóm, có nhóm trưởng luân phiên điều hành. Bên cạnh đó, các chức danh trong lớp như chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban cũng do các em bầu lên. Việc nhận xét đánh giá học lực cuối năm cũng từ các nhóm đề xuất.

Trên cơ sở này, giáo viên nhận xét và đề xuất lên nhà trường khen thưởng chứ không chấm bằng điểm số lấy kết quả như trước đây. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng mô hình còn bộc lộ nhiều hạn chế như tài liệu hướng dẫn cho học sinh, giáo viên còn thiếu; các em  chưa được mang tài liệu về nhà. Do đó, phụ huynh cũng chưa nắm rõ được con em mình đang học tài liệu nào. Còn có hiện tượng mượn tài liệu ở lớp học về để photo học trước, làm hạn chế sự tìm tòi, sáng tạo, phát huy khả năng của các em ngay trên lớp học...
 

Mô hình VNEN triển khai ở Trường Tiểu học Nghĩa Thương đến nay đã 4 năm. Năm học đầu chỉ áp dụng cho 153 học sinh ở hai khối lớp 2 và lớp 3. Năm học 2015 – 2016, nhà trường triển khai toàn diện từ khối lớp 2 đến khối lớp 5 với số lượng 305 học sinh/11 lớp. Mỗi năm học, mô hình được tổ chức Quỹ toàn cầu hỗ trợ 4.000 USD để chi phí trang trí lớp, làm đồ dùng dạy học và mua sắm các thiết bị hỗ trợ cho việc học tập và giảng dạy. Trong năm học 2015 – 2016, Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa đã triển khai mô hình VNEN ở học sinh khối lớp 6 tại 3 điểm trường là THCS Nghĩa Lâm, THCS Nghĩa Kỳ và THCS thị trấn Sông Vệ.

Học sinh và giáo viên đuối sức

Mô hình VNEN được triển khai ở Trường Tiểu học Nghĩa Thương ngay từ khối lớp 2 cách đây 3 năm trước. Đây là khối lớp học mới biết đọc, biết viết. Trong khi đó, tài liệu hướng dẫn cho học sinh ở khối này có quá nhiều kênh chữ, buộc các em đọc để hiểu còn khó, nói gì đến chuyện thảo luận. Ở một góc độ khác, các em còn quá nhỏ để có ý thức chia sẻ sự hiểu biết cho nhau.  

Cô giáo Lê Thị Minh Trang cho biết: “Các cháu còn quá nhỏ để áp dụng mô hình VNEN. Các cháu viết còn chậm, bỡ ngỡ, nói chuyện riêng nhiều, khi thực hiện mô hình, thiếu tập trung... Mình phải luyện cho các cháu đọc, viết, nhận biết mô hình mà khan cả cổ... Chủ nhiệm 4 năm liên tiếp ở khối lớp 2, mỗi lần nghỉ hè là tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng đến mùa khai giảng là bắt đầu ám ảnh. Ám ảnh bởi cách dạy học. Mô hình tuy tiên tiến, nhưng không thể áp dụng cho lớp 2, vì các cháu còn quá nhỏ”. Việc dạy quá vất vả nhiều lúc cô Trang phải nghĩ đến chuyện nghỉ hưu “non”. Vì vậy cô mong nhà trường luân phiên các giáo viên với nhau hoặc triển khai ở lớp học lớn hơn.

Sự nhận xét của giáo viên là kết quả chung của mô hình VNEN được triển khai ở Trường Tiểu học Nghĩa Thương. Nếu xét về góc độ áp dụng cho lớp 2 thì từ thực tế cho thấy chưa hiệu quả. Đó là chưa kể đến chuyện sàng lọc học sinh ở khối lớp 1 quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu khi mới cắp sách đến trường. Bởi, với các cháu ở lứa tuổi này tư duy còn non nớt nên không thể thảo luận, truyền thụ kiến thức cho nhau. Vì vậy, việc học tập của các cháu vẫn cần sự dìu dắt trực tiếp của giáo viên.  Hơn nữa, cái chức chủ tịch, phó chủ tịch, hay trưởng ban cũng làm cho các cháu sớm “mệt mỏi” mà đánh mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.