"Bài toán" của Kiều Quốc Sang

09:08, 12/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trở thành một trong 4 thí sinh có số điểm cao nhất nước trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi là điều ít ai ngờ tới đối với cậu học trò nghèo Kiều Quốc Sang, học sinh Trường THPT Ba Gia, huyện Sơn Tịnh. Bất ngờ hơn nữa là, Sang chỉ học “trường làng” chứ không phải trường chuyên lớp chọn ở các đô thị lớn. Hai môn Toán và Hóa, Sang đạt số điểm tuyệt đối, môn sinh thì đạt 9,25, cũng là số điểm “khủng”. Trong các kỳ thi đại học trước đây, thí sinh đạt 3 điểm 10 cho 3 môn thi, phải kể đến hàng chục em. Nhưng kỳ thi THPT quốc gia năm nay, không một thí sinh nào đạt số điểm tuyệt đối. Đạt số điểm như Sang đã là điều rất hiếm hoi.

TIN LIÊN QUAN

Vậy là, Kiều Quốc Sang đã giải được bài toán trong kỳ thi để em đặt chân lên đỉnh cao nhất của đợt sát hạch mang tầm quốc gia vừa qua nhưng “bài toán” tiếp theo mà em và cả gia đình nghèo ấy phải tiếp tục “giải” để tìm ra đáp số thì không phải dễ. Một căn bệnh tai quái từ nhỏ đã lấy đi sự lành lặn từ đôi chân của Sang, khiến cho sự quyết tâm trở thành bác sĩ luôn nung nấu trong lòng cậu bé. Một nửa ước nguyện của em đã thành sự thật, nghĩa là sẽ đặt được một chân vào trường y, còn nửa kia đang đặt ra những thử thách cam go. Học bác sĩ phải qua 6 năm trời đằng đẵng. Hai sào ruộng và một con bò cùng sức lực của người cha sắp bước vào tuổi 50, liệu có kham nổi từng ấy năm đèn sách cho cậu con trai tài năng nọ không?

Sau niềm vui òa vỡ khi biết con mình đạt điểm số cao nhất trong kỳ thi kèm theo những lời chúc mừng của hàng xóm và bạn bè là nỗi lo toan không đo đếm hết của ông Kiều Tấn Sơn, bố em Sang. “Bài toán” đang bày ra trước mắt mà cả nhà ông Sơn phải “giải”, đó là tìm đâu ra khoản tiền hằng tháng 2-3 triệu đồng để gửi cho con suốt 6 năm tới? Sang có thể giải được những bài toán khó nhất trong một kỳ thi, nhưng không thể giải bài toán nghèo khó của gia đình mình.

Ngành giáo dục Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh đã làm một việc nóng sốt, đó là thưởng ngay cho Sang 10 triệu đồng. Mới đây, Công ty cổ phần PVI thưởng tiếp cho Sang 30 triệu nữa. Tuy nhiên, động thái mang tính động viên chỉ đủ “phủi nóng” trong hành trang nhập học sắp tới, chứ không giải quyết căn cơ của câu chuyện 6 năm đèn sách.

“Có 200 triệu việc này mới xong”, một giáo viên đã đưa ra “đáp số” cho bài toán của Sang như vậy. Vâng, chỉ 200 triệu là đủ chi phí để cậu học trò nghèo trở thành một bác sĩ tương lai. Nhưng đó là “bài toán khó” đối với một gia đình nông dân nghèo như Sang.

TRẦN ĐĂNG
 


.