Thi thử, rớt thật

02:06, 02/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến nay, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi đã có trong tay kết quả kỳ thi tiếp cận thi THPT quốc gia được tỉnh tổ chức  từ ngày 19-22.5 vừa qua. Nói nôm na cho dễ hiểu, kỳ thi vừa rồi được gọi là “kỳ thi thử”, mục đích là để các em làm quen với đề thi, phương pháp làm bài, kể cả “không khí” của một kỳ thi quốc gia lần đầu tiên được tổ chức sau bao năm bàn cãi chung quanh câu chuyện có nên thi tốt nghiệp THPT hay bỏ kỳ thi này; hoặc là bỏ kỳ thi đại học, chỉ lấy điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

TIN LIÊN QUAN

Vì là “thi thử” nên kết quả vừa rồi không ảnh hưởng nhiều đến “số phận” của mỗi thí sinh. Tuy nhiên, những gì thu lượm được qua kỳ thi vừa rồi cũng đủ để tất cả những ai quan tâm đến việc học hành của con em, đặc biệt là “kỳ thi thật” sắp tới, phải giật mình. Các môn thi bắt buộc gồm Văn, Toán, Ngoại ngữ đều... rớt như sung!  Ngay từ đầu năm học, khi Bộ GD-ĐT đã quyết định năm nay bỏ kỳ thi đại học, chỉ lấy kết quả của kỳ thi THPT để xét tuyển, ngành giáo dục các tỉnh và các trường đã thừa biết sự quan trọng của các môn thi bắt buộc nói trên. Họ đã tập trung ôn luyện bất kể ngày đêm với kỳ vọng là các em sẽ “vượt vũ môn” ở ba môn thi quan trọng này. Thế nhưng, có đến trên 60% số thí sinh dự thi đều không đạt điểm trung bình, trong đó ba môn thi bắt buộc nói trên, ở một số trường, có đến trên 90% dưới điểm 5.

Đối với các trường THPT ở miền núi, tỷ lệ thí sinh dưới điểm 5 rất đáng báo động. Như Trường THPT huyện Tây Trà, trên 50% trong tổng số 138 em lớp 12 bị điểm 0. Cách đây không lâu, trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT, không một em nào ở Trường THPT huyện Sơn Tây đỗ tốt nghiệp cả. Hiện tượng “trường 0%” nhiều khả năng sẽ được lặp lại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Lý giải cho việc quá nhiều em bị điểm liệt và dưới điểm 5, một số thí sinh, kể cả giáo viên đều cho rằng đề thi “thử” này là quá khó với trình độ của các em. Thế nhưng, người đứng đầu ngành giáo dục, ông Đoàn Dụng, thì đánh giá: “Đề thi này vừa phải, không quá khó, trừ môn Vật lý có khó một chút song kết quả như vậy là do học sinh ở một số trường thuộc các huyện miền núi hầu như không nắm vững kiến thức. Trong khi ở đồng bằng, tỷ lệ đỗ là 60-70%. Điều này đánh giá đúng thực lực của từng trường, từng học sinh”. Ông Dụng lâu nay được biết đến là người khá nghiêm khắc trong chuyện thi cử, cũng là người rất dị ứng với “bệnh thành tích” nên những nhận xét trên đây có thể xem là khách quan.

Còn hơn một tháng nữa là bước vào “kỳ thi thật”. Thời gian vẫn còn đủ để các thầy và thí sinh “sửa sai”, rút ra những điều bổ ích qua kỳ thi vừa rồi. Hy vọng “kỳ thi thật” sẽ không lặp lại câu chuyện “thi thử-rớt thật” như vừa rồi.

TRẦN ĐĂNG
 


.