Thí sinh "choáng' với đề thi tiếp cận THPT Quốc gia

05:05, 24/05/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sau 4 ngày diễn ra nghiêm túc, kỳ thi tiếp cập THPT Quốc gia năm 2015 do Sở GD&ĐT tổ chức vừa chính thức khép lại. Kết quả thăm dò từ các trường THPT cho thấy, điểm số mà các thí sinh đạt được khá “khiêm tốn”.

TIN LIÊN QUAN

Chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với nhiều thay đổi so với trước đây nên đây là lần đâu tiên Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tiếp cận với mục đích nhằm giúp các em học sinh lớp 12 làm quen với xu hướng đề thi THPT Quốc gia 2015, đồng thời giúp các em chuẩn bị tâm lý tốt hơn trước khi bước vào kỳ thi chính thức.

Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc theo đúng quy chế của Bộ như một kỳ thi thật để đánh giá thực lực của học sinh. Trải qua 8 môn thi của kỳ thi, nhiều học sinh dự thi cho rằng “choáng” với độ khó của đề, khó hơn cả các đề thi minh họa mà Bộ đã công bố trước đó.

Dù học lực khá, nhưng em Trần Bảo Thiên- học sinh Trường THPT Võ Nguyên Giáp cho biết, độ khó của đề thi vượt mức tưởng tượng của em. Em chỉ hoàn thành hơn 50% yêu cầu của đề ở các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Trong phòng thi của em, nhiều bạn cắn bút, thậm chí có bạn ngủ vì không làm bài được.

 

Buổi thi môn Sinh học tại Trường THPT Chuyên Lê Khiết.
Buổi thi môn Sinh học tại Trường THPT Chuyên Lê Khiết.


Cũng theo Bảo Thiên, với các đề minh họa của Bộ trước đó, em làm bài được 60-70%, còn với đề của Sở quá khó, em thấy lo lắng.

Phần đông học sinh cho rằng, đề thi ở mức độ quá khó so với học sinh khá, giỏi chứ huống chi học sinh trung bình. Nếu là học sinh trung bình không dễ lấy được 3-4 điểm.

Học sinh Thu Trang, Trường THPT Chuyên Lê Khiết cho hay, đề thi thử môn Toán, Hóa và Ngữ văn phân loại rất cao, đòi hỏi khả năng hiểu biết rộng, học lực tốt thật sự mới làm bài được. Ở môn Hóa có tới 21 câu thuộc về kiến thức lớp 10 và 11. Đề thi ở các môn Vật lý, Lịch sử và Địa lý có phần nhẹ nhàng hơn.

“Vì là kỳ thi tiếp cận nên tụi em bước vào phòng thi với tâm lý thoải mái, nhưng thấy đề quá khó như thế, bọn em rất lo, không biết đề thi thật có đến mức ấy?”- Thu Trang bày tỏ.

Cùng quan điểm với thí sinh, phần đông giáo viên được hỏi đều nhận định kỳ thi nhằm để các em tập dượt, cọ xát làm quen với cấu trúc đề mới là tốt, nhưng mức độ khó hơn cả đề minh họa của Bộ “vô tình” làm các em nản chí.

 

Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc như một kỳ thi thật.
Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc như một kỳ thi thật.



Cô Trần Thị Thanh Bình- giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Võ Nguyên Giáp nhận định, cách ra đề rõ ràng, mạch lạc, không có sai sót, nhưng lại quá khó. Đề thi môn Vật lý có phần nhẹ nhàng hơn các môn khác, nhưng bước đầu chấm thi đa phần ở phổ điểm cũng chỉ 5,5-6 điểm, trong 10 bài thi mới có 1 bài thi đạt điểm 8 trở lên.

Với học sinh ở đồng bằng kiếm điểm trung bình đã khó thì học sinh vùng cao càng khó hơn gấp bội lần. Tại Trường THPT Trà Bồng, nơi được xem là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục vùng cao kết quả bước đầu cũng khá khiêm tốn.

Thầy Đỗ Ngọc Đức- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thông tin từ các giáo viên chấm thi, khoảng 80% học sinh dưới điểm trung bình. Ở môn Toán xuất hiện không ít điểm 0. Có phòng thi 24 thí sinh mà có tới 10 em bị điểm 0 ở môn Toán. Phổ điểm từ 2-3 điểm chiếm đa số.

Phân tích yêu cầu của đề thi, thầy Đức cho rằng đề thi khó, yêu cầu cao khiến học sinh “hoảng”. Mặc khác, đây là kỳ thi tiếp cận, không có chế tài ràng buộc nên một số học sinh khi đọc đề thấy khó, nản chí không cố gắng hết sức để hoàn thành bài thi. Vì thế, khả năng học sinh dưới điểm trung bình của Trường không chỉ dừng lại ở con số 80%.

“Nếu thời điểm diễn ra kỳ thi ở trong khoảng thời gian cho đăng ký cụm thi, khả năng nhiều em sẽ thay đổi chọn cụm thi địa phương thay vì cụm thi liên tỉnh như ý định ban đầu vì vốn dĩ học sinh chủ quan”- thầy Đức nói.

Tuy nhiên, trái với lo lắng của phần đông học sinh và giáo viên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là kỳ thi tiếp cận nên mức độ yêu cầu của dĩ nhiên là khó để học sinh không quá chủ quan. Mục đích của kỳ thi là để các nhà trường và học sinh rút kinh nghiệm về những thiếu sót để có kế hoạch bổ túc, bồi dưỡng, ôn tập trong thời gian trước khi bước vào kỳ thi chính thức để có kết quả tốt nhất.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.