(Báo Quảng Ngãi)- Sau giờ lên lớp buổi sáng, hàng trăm học sinh miền núi Sơn Tây lại về nhà ăn, cùng thầy cô giáo chuẩn bị bữa cơm trưa. Cuộc sống của học trò vùng cao nơi đây đã ấm áp, no đủ hơn trước nhiều. Từ những bữa cơm tập thể tại trường, niềm vui như lan tỏa đối với mỗi thầy cô giáo, học trò, phụ huynh và cả những ai nặng lòng đến giáo dục miền núi.
Sơn Liên những ngày cuối tháng 5 nắng như đổ lửa. Con đường lên hồ thủy điện Đăkđrinh- nơi ngôi trường cấp hai của xã đứng chân như chao đảo bởi cái nắng hè miền núi. Xã Sơn Liên là địa phương mới tách ra chưa lâu của huyện Sơn Tây, vì vậy cơ sở cho giáo dục chưa được đầu tư nhiều. Ngôi trường cấp 2 của xã cũng là mượn tạm của khối tiểu học, vì chưa được xây mới.
Bữa cơm nghĩa tình của thầy cô giáo Trường THCS Sơn Liên dành cho học trò Cadong. |
Sau tiếng trống hết giờ học buổi sáng, hàng trăm học sinh lại tranh thủ về cất sách vở trong các căn phòng nội trú và cùng nhau xuống phía nhà bếp để cùng phụ giúp với các cô giáo chuẩn bị bữa cơm trưa. Một không khí tập thể hết sức khẩn trương, các cô giáo phân chia thức ăn, các em học sinh mang ra bàn ăn. Hơn 80 em học sinh ngồi dọc theo dãy bàn dài đơn sơ được phụ huynh đóng tạm. Thức ăn gồm cơm trắng, cá kho, canh, rau xào và nước mắm. Nhìn bữa cơm của các em, chúng tôi lại nhớ những bữa cơm nội trú cách đây một năm của học sinh ở huyện này có quá nhiều khác biệt. Trước đây, những em ở xa phải ở lại trường, tự túc bữa ăn trưa. Mỗi em một cái nồi, cơm trắng là chủ yếu, còn thức ăn là mắm, hoặc muối và các loại rau rừng.
Dạy học trên vùng cao, các thầy cô giáo luôn dành tình cảm đặc biệt cho các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Để các em có thể đến lớp đều đặn, các thầy cô giáo không chỉ nỗ lực vào từng bản làng vận động học sinh ra lớp mà còn có một nghĩa cử thầm lặng đáng quý đó là cùng chung tay lo bữa cơm cho học trò nghèo. Tại huyện miền núi Sơn Tây, hình ảnh thầy giáo, cô giáo ngày ngày tất bật lo từng bữa ăn cho học trò đã trở nên quen thuộc, gần gũi với học sinh. Các thầy, các cô chỉ hy vọng công sức của mình bỏ ra sẽ giúp đỡ được học trò của mình có điều kiện học được con chữ.
Sau những giờ đứng trên bục giảng, cô giáo Trương Thị Cẩm Thúy, Trường THCS Sơn Mùa lại vội vã xuống khu bếp của trường để cùng với các thầy cô giáo lo bữa cơm trưa cho học trò tại trường. Dù là việc làm không công nhưng cô giáo Thúy vẫn tự nguyện với mong mỏi có thể giúp học trò của mình có bữa ăn tươm tất sau giờ học, giúp các em yên tâm học tập. Đã nhiều năm nay, cô Thúy trở thành “đầu bếp” nuôi ăn cho trên 100 em học sinh của trường.
Hình ảnh các cô giáo, thầy giáo tình nguyện vào bếp nấu ăn cho học trò cũng trở nên quen thuộc với 85 học sinh ở khu nội trú của Trường THCS Sơn Liên. Tiền, gạo nhận được từ sự hỗ trợ của nhà nước dành cho học sinh miền núi được phụ huynh đồng bào Cadong nhờ cậy thầy cô giáo ở trường lo ăn uống cho học sinh. Trường không có nhân viên cấp dưỡng, nên các thầy cô tình nguyện xuống bếp giúp học trò bằng tất cả tấm lòng. Cô giáo Lý Thị Mỹ Dung, Trường THCS Sơn Liên chia sẻ: Qua những bữa cơm lo cho học trò, chúng tôi còn dạy cho các em biết tự chăm sóc, lo cho cuộc sống sau này.
Không chỉ mang trách nhiệm dạy chữ trên bục giảng, các thầy cô giáo ở huyện miền núi Sơn Tây giờ đây còn tự nguyện mang một trách nhiệm đáng quý là lo bữa cơm cho học trò. Chính nhờ việc làm này của các thầy, các cô mà học sinh đồng bào Cadong ở Sơn Tây không còn phải khổ nhọc lo chuyện ăn uống mỗi khi đến trường như trước. Ngồi ăn bữa cơm trưa do chính tay thầy cô nấu, em Đinh Thị Xít, học sinh Trường THCS Sơn Mùa không khỏi xúc động. Xít kể: Nếu như không có thầy cô nấu ăn ở trường, em cùng bạn học sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bữa ăn của chúng em đã có cá, có thịt, được thầy cô nấu rất ngon. Chúng em rất biết ơn thầy cô và sẽ cố gắng học tập tốt”.
Ông Hà Phải - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây đánh giá cao tinh thần tự nguyện giúp học trò của đội ngũ giáo viên của các trường trên địa bàn. “Trong điều kiện học tập của con em đồng bào ở Sơn Tây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì việc làm này của giáo viên là rất quý, hạn chế học sinh bỏ học và nâng cao được chất lượng giáo dục”, ông Phải nhận xét.
Bài, ảnh: X.THIÊN