(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp, số lượng lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh tăng lên. Công tác quản lý đối với lao động người nước ngoài đi vào nền nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành chức năng, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương.
Hiện toàn tỉnh có 23 đơn vị sử dụng lao động là người nước ngoài với tổng số 288 người đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Từ năm 2011-2014, Sở LĐ-TB&XH đã cấp phép cho 1.212 lao động nước ngoài, trong đó lao động có trình độ chuyên gia là 1.084 người (chiếm 89,43% tổng số lao động), lao động có chuyên môn kỹ thuật là 128 người.
Các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài làm việc ở nhà máy nhựa Polypropylen. Ảnh: MINH THU |
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Công tác quản lý, cấp phép cho lao động là người nước ngoài đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở LĐ-TB&XH, Công an, cơ quan ngoại vụ, Ban quản lý các khu công nghiệp. Hằng năm, tỉnh ta đều thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất việc sử dụng lao động nước ngoài ở các doanh nghiệp để có giải pháp điều chỉnh, quản lý phù hợp. Từ sự quản lý chặt chẽ đó, đa số lao động là người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp đã được cấp phép lao động và thực hiện nghiêm việc cấp, đổi lại, gia hạn theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Thông tư số 03 hướng dẫn thi hành Nghị định. Trong đó quy định rõ các điều kiện cấp giấy phép lao động đối với người nước ngoài như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc; là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
Đối với người lao động nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về khám bệnh, chữa bệnh, giáo dục, đào tạo và dạy nghề; không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài, và được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài... Nghị định cũng quy định thời hạn của giấy phép lao động được cấp không quá 2 năm.
Ngay sau khi Nghị định ban hành, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách của Nhà nước đến tất cả các doanh nghiệp đã và sẽ có nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, chính quyền các địa phương, nhằm tránh các hành vi vi phạm do người nước ngoài gây ra tại nơi cư trú, lao động. Sở LĐ-TB&XH còn yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài theo định kỳ, thực hiện đầy đủ các thủ tục để cấp phép cho lao động người nước ngoài theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm: Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, việc thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép lao động ở tỉnh ta cũng được cơ quan quản lý đơn giản hóa và giải quyết trong thời gian sớm hơn so với quy định của Nhà nước (sớm hơn 6-7 ngày). Đối với các doanh nghiệp, cơ bản chấp hành nghiêm các quy định nên công tác quản lý lao động là người nước ngoài tại Quảng Ngãi đi vào nền nếp, ổn định.
Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hành vi vi phạm cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đó là một số đơn vị, doanh nghiệp thường đưa lao động là người nước ngoài vào làm việc trước rồi mới làm thủ tục xin cấp phép, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngoài ra, các thủ tục cấp phép lao động theo Nghị định 102 còn rườm rà, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng lao động của đơn vị, doanh nghiệp.
Nhìn chung, ở tỉnh ta công tác quản lý lao động nước ngoài được thực hiện chặt chẽ, không có tình trạng lao động nước ngoài làm việc mà không có giấy phép hoặc không khai báo với cơ quan quản lý. Nhờ vậy, đã tạo ấn tượng tốt đối với các doanh nghiệp và nhà thầu, giúp lao động nước ngoài yên tâm làm việc trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, lực lượng lao động nước ngoài chắc chắn sẽ tăng lên, nhằm đáp ứng nhu cầu khi tỉnh ta triển khai các dự án như mở rộng Khu Kinh tế Dung Quất, dự án Nhà máy điện Semcorp hay các đơn vị đầu tư vào khu công nghiệp VSIP… “Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Quảng Ngãi thì các cơ quan quản lý cần bám sát và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác thanh, kiểm tra và sự phối hợp giữa các ngành chức năng... Có như vậy mới bảo đảm được yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tạo hiệu ứng xã hội tích cực”, ông Dũng đề nghị.
Vũ Yến