(Baoquangngai.vn)- Sau nhiều tháng chờ đợi, Bộ GD&ĐT vừa công bố cấu trúc đề thi của 8 môn thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, đã giải tỏa phần nào áp lực, nỗi băn khoăn cho giáo viên và học sinh.
TIN LIÊN QUAN
Sự khác biệt không lớn
Hơn 6 tháng kể từ khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi, thời gian qua có quá nhiều thông tin mới từ kỳ thi khiến giáo viên và học sinh như lọt vào một ma trận, nay đã giải tỏa được phần nào.
Theo Bộ GD&ĐT, cấu trúc đề thi chủ yếu là chương trình lớp 12; tương tự như đề thi ĐH-CĐ năm 2014, với 2 mức độ cơ bản và nâng cao. Trong đó, tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% để đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh.
Đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực người học, có các câu hỏi vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi các môn khoa học xã hội tiếp tục ra theo hướng mở.
Về hình thức, đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: phần đọc hiểu và phần làm văn, tỷ lệ điểm dành cho phần đọc hiểu chiếm khoảng 30% tổng số điểm. Đề thi các môn Ngoại ngữ có 2 phần: phần viết và phần trắc nghiệm, tỷ lệ điểm dành cho phần viết chiếm khoảng 20% tổng số điểm.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng, với đề thi minh họa này, học sinh sẽ hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức để ôn tập, chuẩn bị tham gia kì thi chứ không phải để sử dụng cho học sinh ôn tập các nội dung đề cập trong đề thi như một dạng giới hạn kiến thức mà chỉ để các em biết về hình thức ra đề, mức độ yêu cầu tương ứng với điểm số.
Giáo viên, học sinh than đề khó!
Sau khi Bộ công bố cấu trúc đề thi, đa phần giáo viên và học sinh cho rằng đề thi có tính phân loại rõ rệt và khó. Em Trần Bảo Thiên, học sinh Trường THPT Võ Nguyên Giáp (TP. Quảng Ngãi) chia sẻ: “Đề thi là quá khó không chỉ với học sinh trung bình, trung bình khá mà ngay cả với học sinh khá, giỏi thật sự. Với học lực khá, em chỉ hoàn thành 55-60% đề thi”.
Cô Trần Thị Thanh Bình- giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Võ Nguyên Giáp cho biết: Thời gian qua, giáo viên cũng như học sinh khá hoang mang vì không hình dung được đề thi sẽ như thế nào? Việc có đề thi minh họa sẽ giúp thầy trò định hướng rõ hơn trong việc ôn tập, học cái gì cần để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi.
Nhận định về cấu trúc đề thi, cô Bình cho rằng: Theo cấu trúc đề thi của Bộ cơ bản tương tự đề thi ĐH-CĐ năm 2014, nội dung đề khá dài, đa dạng, phân hóa rõ rệt, đặc biệt là ở những câu thực hành, học sinh sẽ rất mất thời gian và dễ mất điểm vì dạng này các em chưa quen. Vì thế, học sinh khá, giỏi thật sự mới kiếm được 7-8 điểm.
Việc công bố cấu trúc đề đã giải tỏa phần nào áp lực tâm lý cho giáo viên và học sinh. |
Cùng quan điểm, nhiều học sinh cho rằng, cấu trúc đề thi là quá khó và rộng, với bộ môn Hóa học, rất nhiều câu hỏi thuộc chương trình lớp 10 nên em không còn nhớ kiến thức. Dẫu vậy, đại đa số giáo viên cho rằng, thời điểm này, chương trình học chưa kết thúc và chưa ôn tập nên các em còn thời gian để bổ túc các kiến thức thiếu hụt.
Thi ở cụm địa phương vẫn có cơ hội vào đại học
Sự băn khoăn của các thầy, cô giáo và phụ huynh, học sinh trong suốt thời gian qua không chỉ là cấu trúc đề thi mà còn cụm thi. Việc nhiều học sinh băn khoăn ở đây là thi ở cụm địa phương chủ trì có được xét tuyển vào ĐH-CĐ?
Theo phương án mới nhất, thí sinh Quảng Ngãi có thể chọn cụm thi tại Quy Nhơn để rộng đường xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ trong cả nước theo khối thi tương ứng. Những thí sinh dự thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, nhưng chỉ là những trường có Đề án tuyển sinh riêng. Vì thế, cơ hội sẽ ít hơn vì phụ thuộc vào quy định của từng trường.
Về vấn đề này, các nhà trường cũng như trong các buổi tư vấn tuyển sinh do Báo Tuổi trẻ và Báo Thanh niên tổ chức, các chuyên gia tư vấn cũng đã thông tin chi tiết đến học sinh.
“Thí sinh thi vào các trường có đề án tuyển sinh phải lưu ý, cân nhắc thật kỹ trong những điều cần biết để tránh bị nhầm lẫn, gây thiệt thòi cho mình”- PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lưu ý.
Bài, ảnh: Ái Kiều