(Baoquangngai.vn)- Con đường đến với các ngôi trường huyện Trà Bồng vẫn còn những dốc núi cheo leo, những vùng đất khô cằn, sỏi đá. Nhưng những khó khăn ấy không làm cằn cỗi con chữ vùng cao mà sự học vẫn đang nảy nở từng ngày, mang lại ánh sáng niềm tin cho giáo dục nơi đây.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cơm mắm đến trường
Một buổi sáng, có dịp đi ngang trên con đường đến trường của học sinh mầm non thôn 3 (xã Trà Thủy), ập vào mắt những người đi đường như chúng tôi là hình ảnh các cô cậu nhỏ lỉnh kỉnh từng chiếc cà mèn nhôm, trên vai là cặp sách nặng trĩu. Bên trong chiếc cà mèn là phần ăn trưa được ba mẹ chuẩn bị sẵn.
Lững thững bước đi cùng các bạn, em Hồ Văn Hòa ngoan ngoãn khoe: “Sáng mẹ dậy từ lúc 5 giờ nấu cơm, bới vào cà mèn cho con mang đến lớp. Cơm này để ăn buổi trưa ạ”.
Học sinh Trường Mầm non xã Trà Thủy đến trường. |
“Vừa cặp sách, vừa cà mèn đi học, đường lại xa, cũng mệt. Nhưng mà, cô giáo dạy chúng con phải biết cố gắng”, Hòa bộc bạch với cái giọng già dặn hơn so với cái tuổi lên 6.
Vượt qua một quảng đường ngoằn nghoèo, vừa đến lớp, Hòa cùng các bạn tự giác đặt cà mèn cơm vào một góc mà cô giáo qui định sẵn, rồi bắt đầu buổi học. Đến trưa, sau khi học xong, Hòa cùng các bạn ngoan ngoãn xếp hàng, lấy cà mèn ra ăn trưa.
Bên trong cà mèn của các em có cơm, một ít thức ăn có khi là trứng chiên, rau rừng hay miếng cá khô còn lại của bữa ăn tối hôm trước. Họa hoằn lắm mới thấy một vài em được ăn cơm cùng mấy miếng thịt kho. Và có không ít cà mèn chỉ có cơm trắng, nước mắm... Các em ăn một cách ngon lành để chuẩn bị cho buổi học ban chiều.
Ngoan ngoãn nhận cơm trưa từ cô giáo. |
“Ngày trước, khi mẹ chưa nấu cơm cho mang theo, tan học buổi sáng, các em thường chạy ù về nhà ăn. Tuy nhiên, vì đường sá đi lại khó khăn, các em ít khi trở lại lớp để học buổi chiều. Từ ngày ở lại trường ăn cơm vào buổi trưa, việc học của các em có nhiều thuận lợi”, cô Hồ Thị Xuân, giáo viên Trường mầm non thôn 3, xã Trà Thủy, chia sẻ.
Dạy trẻ tự lập khi còn nhỏ
Xã Trà Thủy hiện có 6 điểm trường mầm non. Trường mầm non thôn 3 là một trong điểm trường còn khó khăn của xã. Trước đây, việc dạy học ở đây không đơn giản chỉ là chuyện dạy và học mà đó là một “cuộc chiến” giữ trò, bám lớp của giáo viên.
Năm 2014, được sự quan tâm của địa phương và các đơn vị trong tỉnh, điểm trưởng này được đầu tư xây mới. Đây là niềm vui lớn đối với nhà trường, phụ huynh học sinh. Số lượng học sinh còn ít (28 em), nhưng cơ sở vật chất mới chỉ giúp các em tránh được cái nắng gay gắt của mùa hè và cái lạnh giá buốt của mùa đông, chưa đủ điều kiện để nhà trường tổ chức bán trú.
Nhận thấy tỉ lệ học sinh đến trường vẫn còn thấp, nhà trường quyết định tổ chức mô hình “bán trú dân nuôi”. Trước sự vận động của giáo viên, nếp nghĩ “Mì, bắp ăn được, chứ con chữ thì không” của phụ huynh dần được thay đổi. Từ đó, ai cũng tự giác nấu cơm bỏ vào chiếc cà mèn có giá chưa đầy 200.000 đồng mà giữ được hơi nóng cho con mang theo đi học. Mỗi ngày còn đóng thêm 2.000 đồng để cô giáo nấu cho một phần canh.
Bữa cơm "nội trú dân nuôi" ấm áp của học sinh vùng cao. |
Cô Lê Thị Kim Chi, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, triển khai thành công mô hình này, ngoài sự ủng hộ của phụ huynh thì tính tự lập và ý thức của học sinh đóng một vai trò rất quan trọng. Những việc làm nhỏ của các em đã động viên chúng tôi rất nhiều, nhất là khi mà điều kiện nhà trường còn khó khăn.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các em biết tự đem cơm đến trường. Đến trường, học xong cùng phụ cô giáo lặt rau, nấu canh hay tự lấy cơm ra ăn... Đa số các em đều cảm thấy phấn khích khi được tự làm những công việc này. Từ những học sinh rụt rè, nhút nhát, sau thời gian ngắn, em nào cũng nhanh nhẹn, thông minh hơn so với học sinh nhiều điểm trường khác.
Ngoài trường mầm non xã Trà Thủy, mô hình này cũng được triển khai thành công tại nhiều điểm trường mầm non ở xã Trà Sơn, mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác giáo dục ở địa phương. Nhất là trong việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Theo ông Trần Minh Điệp - Trưởng phòng giáo dục huyện Trà Bồng, với mạng lưới giao thông liên thôn, liên xã còn nhiều khó khăn, trắc trở ở huyện miền núi Trà Bồng nếu không có mô hình bán trú dân nuôi thì chắc chắn trẻ em trong độ tuổi đến trường ở địa phương sẽ không theo học đầy đủ được…
Bài, ảnh: Th.Hậu