(Báo Quảng Ngãi)- Xưa và nay đều thế, chỉ có thể làm theo lời mách bảo của trái tim với tình thương và trách nhiệm, thế mới giáo dục học sinh nên người. Đó là điều mà những nhà giáo suốt một đời gắn bó với bảng đen phấn trắng, với bao thế hệ học sinh từ kháng chiến cho đến hòa bình, vẫn luôn cất giữ bên mình.
Niềm tin trên bục giảng
Có dịp hàn huyên cùng với cựu nhà giáo Lâm Chuyển (ở phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi, một trong những người đã gầy dựng sự nghiệp giáo dục ở Quảng Ngãi từ trong kháng chiến), chúng tôi càng thêm thấm thía nỗi nhọc nhằn của người thầy. Nhưng, đổi lại họ có được tài sản mà không gì có thể so sánh, đó chính là sự kính trọng, tình yêu và thành đạt của lớp lớp học sinh. Ngày quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh, từ núi rừng Minh Long, Sơn Hà cho đến Tư Nghĩa, Đức Phổ… nơi đâu cũng in dấu bước chân ông trên chặng đường bắt liên lạc với những nhà giáo yêu nước, mở lớp dạy học để phục vụ cách mạng.
Ông Tô Uyên Minh. |
Những năm 70 trước giải phóng, khi nhà giáo Lâm Chuyển là Hiệu trưởng Trường Sư phạm Quảng Ngãi, thầy và trò cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng dựng lều tranh làm trường học, cùng đi làm đồng để có cái ăn, đi cõng gạo… “Chiến tranh khốc liệt nên việc hệ thống kiến thức không bài bản như bây giờ. Phải tìm kiếm tài liệu ở khắp nơi và biên soạn thêm để dạy. Nhưng được cái là việc dạy học rất sát…”, ông Chuyển hồi tưởng. Trường học bị giặc Mỹ bắn phá triền miên, phải di chuyển nhiều nơi. Thế mà thầy vẫn dạy, trò vẫn học, vẫn cứ hừng hực quyết tâm.
Đâu là sức mạnh để giáo viên và học sinh ngày ấy vượt qua mọi khó khăn, bất chấp cả hy sinh tính mạng để dạy và học. Cựu nhà giáo Lâm Chuyển bảo rằng: “Giáo dục trong kháng chiến là xây dựng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào sức mạnh của nhân dân và niềm tin chiến thắng của cách mạng. Điều này đã tạo nên sức mạnh cho thầy và trò”. Vâng, đó cũng chính là hành động theo sự mách bảo của trái tim trong đội ngũ giáo viên và học sinh thời kháng chiến, họ đã ra sức thực hiện sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao.
Ngẫm xưa rồi nhớ nay, cựu nhà giáo Lâm Chuyển điềm tĩnh nói: “Đã là nhà giáo dù thời kỳ nào cũng phải tâm huyết với nghề, yêu thương, tôn trọng học sinh, không tiếc công sức để giáo dục các em và phải thật sự là tấm gương để học sinh noi theo”. Ông đưa ra một ví dụ liên quan đến công tác giáo dục rất có tình, có lý. Ông bảo năm ngón tay cũng phải có ngón ngắn, ngón dài. Học sinh cũng vậy, có em học giỏi, có em kém là chuyện bình thường. Vấn đề ở đây là giáo viên quan tâm, trách nhiệm hơn đối với học sinh, nhất là những em yếu kém, cùng với sự chăm lo của gia đình thì tin rằng các em sẽ khá lên.
Để có tài sản quý giá nhất…
Tôi đã từng đọc ở đâu đó câu nói của một học giả, rằng: “Những thầy cô giáo giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không phải từ sách vở”. Quả thật chỉ có dạy học bằng cả trái tim mới khắc sâu kiến thức và tình yêu, sự kính trọng trong các thế hệ học sinh. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp gặp lại nhà giáo Tô Uyên Minh-Nguyên Hiệu trưởng Trường trung cấp sư phạm Trung Trung Bộ (hiện ở phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi). Ông nay đã 88 tuổi. Nhiều người chưa một ngày được ông dạy học, ngay cả tôi cũng thế, nhưng vẫn gọi ông là “Thầy” với tình cảm kính trọng một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, đã dạy học trò bằng cả trái tim.
Học sinh Trường MN Bình Minh (TP.Quảng Ngãi) tại Hội thi “Bé khéo tay - Nhanh trí” cấp thành phố năm học 2014-2015. Ảnh: P.LÝ |
Học trò của thầy giáo Tô Uyên Minh giờ đây ở khắp trong Nam, ngoài Bắc, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng từ Trung ương đến địa phương, nhiều người tóc đã bạc trắng, nhưng mỗi lần gặp lại thầy vẫn kính cẩn: “Em chào thầy ạ!”. Cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, những học trò sống ở trong tỉnh như đồng chí Phạm Sy-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Từ Tân Vũ-Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh… lại đến thăm và tặng thầy giáo Tô Uyên Minh những đóa hoa tươi thắm. Họ lại bùi ngùi kể về những tháng ngày ở mái Trường trung cấp sư phạm Trung Trung Bộ, chiếc nôi đào tạo giáo viên cấp II đầu tiên cho toàn Khu 5 thời chống Mỹ (1964-1967). Kể sao cho hết kỷ niệm, gian khổ, hy sinh của thầy và trò Trường Trung cấp sư phạm Trung Trung Bộ ngày ấy, duy chỉ có một điều khiến mọi người nhớ mãi là tình nghĩa thầy trò. Thầy giáo Tô Uyên Minh ngày ấy vừa là thầy, vừa là cha, là anh của các thế hệ học sinh thân yêu.
Thầy giáo Tô Uyên Minh cho biết, trong cuộc đời nhà giáo của mình, ông chưa một lần la mắng học sinh trước lớp dù biết các em có lỗi. Ông bảo: “Học trò hư giáo viên cũng một phần có lỗi. Thầy giáo coi thường học sinh là thầy giáo hỏng. Kiến thức là một phần, nhưng đối với người thầy đức độ là quan trọng nhất, phải biết cách để thu phục nhân tâm”. Đây vừa là bài học, vừa là lời nhắn gởi xuất phát từ tấm lòng của thế hệ nhà giáo đi trước đối với những người gắn bó với sự nghiệp “trồng người” trong thời kỳ đổi mới. Chỉ có dạy học bằng cả trái tim với tình yêu thương và trách nhiệm đối với học trò mới giúp các em trở thành người có ích cho quê hương, đất nước, mới khắc sâu trong tâm trí các em hình ảnh người thầy đáng kính nhất.
Phương Lý