(Baoquangngai.vn)- Cùng với việc xây dựng, thiết lập nhà máy tại KCN Vsip Quảng Ngãi và các khu kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã chọn Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất làm nơi đào tạo nhân lực. Qua chương trình hợp tác, các doanh nghiệp có thể chủ động tuyển chọn nguồn lao động chất lượng cao. Đồng thời, người lao động với tay nghề được hỗ trợ, cũng sẽ nhanh chóng tìm được việc làm ổn định ngay sau khóa đào tạo.
Xua tan nỗi lo thất nghiệp
Cuối tháng 3.2015, chị Phan Thị Bích Liễu ngụ xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi nhận tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành may giày sau một thời gian theo học tại Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất. Từ nhiều tháng trước, chị Liễu đã canh cánh trong lòng nỗi lo tìm việc sau khi ra trường.
Tuy nhiên, nỗi lo của chị Liễu không tồn tại lâu, vì ngay trong lễ tốt nghiệp, chị là một trong 240 người được nhận vào làm tại Công ty giày da King Riches đóng tại KCN Vsip Quảng Ngãi. “Điều kỳ vọng nhất của các học viên học nghề là có thể có được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Và qua quá trình học tập tại trường, công ty giày da cũng đã giúp chúng tôi tiếp cận trực tiếp vào khâu sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, tôi hoàn hoàn tự tin với kiến thức mình đã học có thể áp dụng thành thạo vào quá trình làm việc sắp tới”- chị Liễu bày tỏ.
Với mong muốn tuyển nhân lực có kinh nghiệm và kỹ thuật, Công ty giày da King Riches đã cử cán bộ từ Vsip Bình Dương ra tận trường để hướng dẫn, chuyển giao cho các học viên. Bên cạnh đó, Công ty này còn hỗ trợ 60 máy may cho trường để đáp ứng đủ số lượng nhu cầu học viên đang theo học chuyên ngành may giày.
Ông Nguyễn Hồng Tây- Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất cho biết: Không chỉ công ty giày da King Riches, mà trước đó, đã có nhiều doanh nghiệp có chương trình đồng hành, hợp tác cùng trường để đào tạo những lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Propylen hay Doosan Vina đều đã và đang hỗ trợ kỹ thuật, nguyên liệu trong các giờ học thực hành cho các học viên của trường.
|
Các doanh nghiệp thường xuyên cử chuyên gia, cán bộ đến tận trường để chuyển giao kỹ thuật, sát hạch chất lượng học viên trước khi tuyển chọn. |
Các doanh nghiệp này cũng thường xuyên cử các chuyên gia, cán bộ đến tận trường để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật về nghề hàn, dệt may, cơ khí… và kiểm tra chặt chẽ chất lượng học viên vào giữa kỳ, cuối kỳ. “Đến cuối năm 2014, trường đã đào tạo khoảng 15 nghìn lao động thì có đến 90% đạt chất lượng được nhận vào làm tại các doanh nghiệp. Vì chúng tôi đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp và được doanh nghiệp hỗ trợ tối đa, nên các học viên theo học hầu hết đều không phải rơi vào cảnh học xong vẫn bị thất nghiệp”- Ông Tây chia sẻ.
Giảm áp lực cho doanh nghiệp
Chương trình hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp, không chỉ tạo điều kiện cho các lao động có việc làm ổn định mà còn giúp cho doanh nghiệp giảm áp lực trong tìm kiếm nguồn nhân lực tại chỗ.
Là đơn vị được Vsip Quảng Ngãi lựa chọn đào tạo, cung ứng nhân lực, từ năm 2014, Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất đã hợp tác với Vsip Quảng Ngãi đào tạo lao động cho các nhà đầu tư. Qua hợp tác, Trường đã tiếp nhận đào tạo trên 2 nghìn lao động ngành nghề giày da, dệt sợi, may, điện, cơ khí…trong đó, thu hút nhiều lao động trong tỉnh.
Theo thỏa thuận, Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ sẽ đào tạo 3 nghìn lao động nhằm đảm bảo hoạt động cho công ty giày da King Riches tại Vsip Quảng Ngãi. Trong đợt chuyển giao nhân lực mới đây, đại diện công ty King Riches và nhiều doanh nghiệp khác hết sức hài lòng về chất lượng học viên do trường đào tạo.
Ông Huang Pen Yuan- Phó tổng giám đốc Công ty King Riches Việt Nam cho biết: Công ty giày da của chúng tôi đã hoạt động ở Việt Nam được 15 năm nay. Do công ty đặt tại Vsip Bình Dương nguồn lao động nay đã bão hòa nên chúng tôi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ngãi và nhận được tín hiệu rất tốt.
|
Việc hợp tác giữ doanh nghiệp và trường nghề đã giúp học viên có việc làm sau khóa đào tạo, đồng thời giảm áp lực về nguồn nhân lực cho doanh nghiệp |
“Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ của Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất thì công ty sẽ có áp lực vô cùng lớn trong việc tìm kiếm nhân lực. Qua khóa đào tạo vừa rồi, với nguồn lao động tại chỗ chúng tôi tự tin với mục tiêu đề ra là sản xuất 1 triệu đôi giày/tháng ngay tại Quảng Ngãi”- ông Yuan nói thêm.
Trong năm 2015 nhiều nhà máy, xí nghiệp tại KCN Vsip Quảng Ngãi sẽ đi vào hoạt động. Do vậy, nhu cầu lao động tăng cao, nhất là lĩnh vực công nghiệp nhẹ. Với yêu cầu kỹ năng nghề cao và số lượng lao động lớn, KCN Vsip và các trường sẽ hợp tác đào tạo qua các khóa nghề ngắn hạn, trung hạn. Theo tính toán, trong năm 2015 và 2016, các đơn vị này sẽ hợp tác, đào tạo cho trên 10 nghìn lao động cho khu công nghiệp Vsip.
Việc hợp tác đào tạo lao động giữa các doanh nghiệp KCN Vsip Quảng Ngãi và các trường, trung tâm dạy nghề sẽ giải quyết được bài toán nguồn lực lao động cho nhà đầu tư. Đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện các vấn đề an sinh xã hội trong vùng dự án.
Bài, ảnh: Thanh Phương