(Báo Quảng Ngãi)- Với Việt Nam, hệ thống trường chuyên là mô hình trường đặc thù, nó khác với toàn bộ hệ thống trường phổ thông bình thường (gọi tắt là “trường thường”). Khi đã chấp nhận một hệ thống trường chuyên đặc thù như vậy, mà mục đích là để đào tạo nhân tài, cụ thể là đào tạo học sinh giỏi (trên mức “giỏi bình thường”) cho các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và Olympic quốc tế, thì tất cả học sinh được gọi là “giỏi” khi ứng thi vào trường chuyên, đều cần cam kết nếu được vào học, phải phấn đấu để trở thành học sinh giỏi ở “môn học mũi nhọn” mà mình sở đắc, để có thể là ứng viên cho các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
Và phải phấn đấu để có thành tích (cụ thể là có giải thưởng) ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ấy. Xa hơn, các em phấn đấu để được tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia dành cho các kỳ thi Olympic quốc tế. Những giáo sư người Việt hàng đầu thế giới hiện nay trên các lĩnh vực như Toán, Vật lý…đều khởi đầu là các học sinh giỏi cấp quốc gia và đạt thành tích cao nhất ở các kỳ thi quốc tế.
Vì thế, mục tiêu lớn nhất của học sinh trường chuyên không chỉ là thi đỗ các kỳ thi đại học, dù chuyện đó là đương nhiên đối với các học sinh giỏi trường chuyên. Vì, nếu chỉ cần thi đỗ vào đại học, thì không cứ phải học trường chuyên mới đạt được mục tiêu này.
Học sinh giỏi trường chuyên, vì vậy, cũng khác với học sinh giỏi “trường thường”. Bởi, ở “trường thường”, chỉ cần đạt 8 điểm trở lên ở tất cả các môn học, là đạt danh hiệu học sinh giỏi. Còn ở trường chuyên, chỉ cần giỏi một môn “mũi nhọn”, nhưng phải thực sự giỏi, ở mức xuất sắc, ở mức được đi thi học sinh giỏi quốc gia, và đạt giải thưởng ở những kỳ thi ấy. Chưa kể, còn được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi quốc tế nữa... Dù những học sinh ấy, khi học trường chuyên, không phải là học sinh “giỏi đều” tất cả các môn học. Các em chỉ cần giỏi một môn học chính, như giỏi Toán, giỏi Văn, giỏi Vật lý, Hóa học, Sinh học…và giỏi ở mức xuất sắc, là đủ để được công nhận là học sinh giỏi.
Thế nhưng, điều lạ lùng, là tuy đứng ra thiết kế, tổ chức hệ thống trường chuyên này trên cả nước, nhưng Bộ GD&ĐT, cho tới nay, lại vẫn dùng tiêu chí học sinh giỏi “trường thường” để áp vào đánh giá học sinh giỏi trường chuyên. Đó là một sai lầm ngay từ “cái nhìn đầu tiên”. Bởi những học sinh xuất sắc của trường chuyên không thể là học sinh “giỏi tất cả các môn học”. Họ chỉ có thể giỏi (đến mức cao) một môn chính. Những môn còn lại, có khi họ chỉ đạt điểm khá hoặc trung bình. Vì toàn bộ tinh lực của họ đã dồn hết vào môn học chính, môn “mũi nhọn” mà vì nó mà họ thi vào trường chuyên. Gần như tất cả những người tài đều như thế.
Không thể “tài đại trà” được! Vậy thì ở trường chuyên, tiêu chí đánh giá học sinh giỏi phải khác với “trường thường”. Chỉ cần giỏi xuất sắc, giỏi có thành tích cao một môn, lập tức phải được công nhận là học sinh giỏi.
Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu nghiêm túc tiêu chí công nhận học sinh giỏi trong hệ thống trường chuyên để có những quy định thích hợp với mục tiêu đào tạo ở hệ thống trường đặc thù này.
THANH THẢO