(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu lo toan của cuộc sống đè nặng trên đôi vai nhỏ, nhưng các em luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, cố gắng học tập. Những chú “đom đóm nhỏ” cần mẫn này là hình ảnh đẹp về nghị lực vươn lên, gieo vào lòng người một niềm tin yêu...
Những “chú đom đóm nhỏ”
“Cô ơi, con bị đau hoài có bị nghỉ học không? Bị đau, con cũng ráng học được. Con chỉ sợ không có tiền để đi học thôi. Con thích đi học lắm!” - khuôn mặt vẫn còn nguyên vẻ mệt mỏi vì bị ốm, cô học trò nhỏ Nguyễn Hải Yến khẽ hỏi tôi. Hải Yến hiện là học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Quảng Phú 1 (TP. Quảng Ngãi). Mới 10 tuổi, trên đôi vai nhỏ của em đã đầy gánh nặng lo toan cuộc sống.
Tuổi thơ em đã sớm thiệt thòi so với bạn bè, cha bỏ đi khi hai chị em Yến chỉ mới vài tuổi. “Đòn gánh” gia đình bị gãy giữa chừng, mẹ phải làm thuê làm mướn quần quật cả ngày mà gia đình vẫn chạy ăn từng bữa. Sớm ý thức được trách nhiệm của mình, trong ngôi nhà tạm bợ chỉ làm bằng những tấm tranh tre ghép lại, cô bé Hải Yến như “chú đom đóm nhỏ” tỏa sáng cả gia đình.
Ở cái tuổi ăn tuổi học, nhưng Yến đã phải lo lắng việc nhà, thay mẹ chăm em. Mỗi buổi trưa, Yến vội về nhà sau giờ học buổi sáng để nấu cơm, cho em ăn, rồi hai chị em lại tự dắt nhau đến trường, liu xiu như những cây nấm nhỏ di động trên đường. “Hôm nào trời mưa quá thì phải qua nhà hàng xóm nấu nhờ vì... bếp ướt hết”, Yến hồn nhiên kể.
Gia đình Hải Yến vừa thuộc diện thoát nghèo sau nhiều năm liền là hộ nghèo của địa phương. Em không còn được miễn học phí. Đến nay, mẹ em vẫn chưa thể xoay xở được tiền học phí cho năm học này... Thiếu thốn đủ thứ, khó khăn trăm bề, lại còn hay bị đau ốm, mỗi ngày phải đi bộ đến trường, vậy mà Yến luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi từ lúc đi học đến giờ. Cô bé có gương mặt sáng, đôi mắt tròn thông mình này, ước mong luôn được đến trường để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người.
Đến với lớp học do Tỉnh đoàn tổ chức, các em nhỏ được ôn tập, hỗ trợ kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống... |
Ba mất, mẹ phải mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh, Phạm Đức Phụng (lớp 5E, Trường Tiểu học Quảng Phú 1 (TP. Quảng Ngãi) ở với bà cố. Bà cháu sống qua ngày với hàng quán bánh xèo trước nhà. Cẩn thận giải bài tập trong sách giáo khoa môn Toán lớp 5, Phụng khoe: Năm học vừa rồi em đạt danh hiệu học sinh giỏi.
“Ở địa phương có nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bận làm ăn cả ngày, dường như việc học giao phó cho nhà trường. Nhiều em đã sớm nhận thức được ý nghĩa việc học, nỗ lực khát khao học chữ để sau này trở thành người có ích. Những "đom đóm nhỏ như Hải Yến, Đức Phụng... là tấm gương sáng cho các bạn khác noi theo”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Sa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Phú 1 chia sẻ.
“Thầy”... học từ trò
Mỗi buổi chiều tối, Hải Yến cùng các bạn đến số nhà 63 Chu Văn An (TP. Quảng Ngãi) để ôn tập, luyện thêm kiến thức do các sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ. Để đến được lớp học, hầu hết các em tự đi xe đạp hoặc nhờ người thân đưa đi. “Thầy giáo” là sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học trên địa bàn tỉnh...
Bạn Đỗ Dương Phi (CLB Nhiệt huyết trẻ) hào hứng cho hay, trung bình mỗi lớp có khoảng 15 học sinh gồm các em học lớp 4, 5, học vào các ngày thứ 2, 3, 4, 5 trong tuần. Có hôm, số “thầy giáo” đến dạy còn đông hơn học sinh, nên em nào cũng được hướng dẫn kỹ càng. Cặm cụi ghi chép lại danh sách buổi học, bạn Ngô Trung Thắng (sinh viên năm 2, Đại học Phạm Văn Đồng) cho biết: “Dù đang trong đợt tập trung ôn tập để thi cuối kỳ, nhưng khi biết đến lớp học này, Thắng luôn nhiệt tình tham gia. Bởi không chỉ được góp sức trẻ của mình vào các phong trào thiện nguyện, đến lớp học này, thông qua việc hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc cho các em học sinh, sinh viên còn học được rất nhiều về nghiệp vụ sư phạm. Đây sẽ là những kinh nghiệm bổ ích cho quá trình học tập và làm việc sau này của sinh viên theo ngành sư phạm”.
Chị Hà Thị Anh Thư - Bí thư Tỉnh đoàn tâm sự: Cùng với các hoạt động tình nguyện khác của tuổi trẻ Quảng Ngãi, lớp học đã góp phần tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội cống hiến, sống biết yêu thương và có trách nhiệm với cộng đồng. Từ những câu chuyện cảm động về tấm gương các em học sinh vượt khó đã giúp các bạn trẻ nhận ra nhiều giá trị tốt đẹp. Đó là bài học về sự vượt khó, cầu tiến, trong cuộc sống biết học hỏi lẫn nhau ngay cả từ những giá trị nhỏ nhất. Với phương châm “Sống là cho đi”, từ những đốm lửa nhỏ này sẽ nhóm lên ngọn đuốc lớn về tấm lòng thiện nguyện. Người được giúp đỡ sẽ tiếp tục giúp thế hệ đàn em kế tiếp.
Bài, ảnh: BẢO HÒA