(Báo Quảng Ngãi)- Truyện tranh, truyện cổ tích vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu cho các em thiếu nhi, thanh thiếu niên. Tuy nhiên, ngày nay với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa nghe nhìn dường như đã phần nào tác động rất lớn đến thói quen đọc sách của hầu hết các em.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trước khi có các phương tiện truyền thông nghe nhìn thì sách là con đường để chúng ta tiếp cận với thông tin, văn hóa, tri thức. Song, có một thực trạng đáng báo động là, hầu như nhà nào cũng đều trang bị cho con em máy tính hoặc là học sinh cấp II thì được ba mẹ mua cho điện thoại di động thông minh có thể kết nối mạng Internet nên các em có thể lên mạng tra cứu. Vì thế, nhà sách hoặc thư viện của nhà trường ngày càng vắng bóng học sinh và mất dần thói quen đọc sách.
Các loại truyện tranh Nhật Bản được bày bán đầy trên kệ sách thiếu nhi ở Siêu thị Thành Nghĩa. |
Chị Nguyễn Thị Tâm, ở phường Chánh Lộ, cho biết, hai con chị đứa học lớp 5, đứa học lớp 7, ngoài thời gian học bài, chúng thường chơi games, hay xem phim để giải trí, gia đình ít có điều kiện đưa các con đi nhà sách để mua các loại sách khoa học hay văn hóa để cho con đọc. Chị Tâm bảo, các con đi học cả ngày vất vả lắm rồi nên không muốn các con phải đọc thêm sách.
Việc chọn sách để đọc của các em học sinh cũng là vấn đề đáng quan tâm. Dạo qua một vòng các siêu thị hay các nhà sách, không khó để nhận ra các loại truyện tranh nước ngoài chiếm ưu thế về số lượng và được bày bán khá nhiều. Các loại truyện tranh, mà nhất là truyện tranh của Nhật Bản được các em rất ưa chuộng nên bán rất chạy. Em Tùng, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo say sưa coi những cuốn truyện tranh tại quầy sách ở Siêu thị Thành Nghĩa, cho biết: Truyện tranh của Nhật Bản rất hay, hình vẽ đẹp và nội dung mới mẻ.
Khi được hỏi về những bài học rút ra sau khi đọc những loại truyện tranh như thế này, em Tùng cho rằng đọc để giải trí thôi, chứ không rút ra bài học gì cho mình. Không chỉ ở các nhà sách hay siêu thị mà ở các tiệm cho thuê truyện cũng tràn ngập những loại truyện tranh nước ngoài có nội dung tương tự, với giá thuê rất rẻ. Hệ quả của việc đọc những loại truyện tranh này sẽ gây ra thói quen cho học sinh khi dùng câu, dùng chữ quá ngắn gọn và không có đủ vốn từ để diễn tả ý mình muốn nói. Một số nội dung truyện tranh còn gây ra tâm lý bạo lực trong học đường. Hình vẽ trong truyện đôi khi không phù hợp với lứa tuổi của các em, vô tình làm cho các em có cái nhìn lệch lạc về chuẩn mực văn hóa ăn mặc và ứng xử.
Sở dĩ truyện cổ tích hay truyện tranh trong nước không thu hút được sự quan tâm tìm đọc của các em là do nội dung truyện không có sự đổi mới mặc dù qua nhiều lần tái bản. Chưa có sự đầu tư vào phần hình ảnh minh họa trong truyện khiến cho các em có tâm lý nhàm chán khi đọc truyện cổ tích hay truyện thiếu nhi trong nước. Hơn nữa, các loại truyện tranh của nước ngoài được quảng cáo rầm rộ trên mạng và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của người đọc. Còn các truyện trong nước chưa được giới thiệu quảng bá nhiều.
Cô Nguyễn Thị Hồng Hoa, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT Bình Sơn nói: Vấn đề chọn sách, chọn truyện để đọc của thiếu nhi, thanh thiếu niên hiện nay rất đáng lo. Các em ít có sự định hướng đúng đắn từ cha mẹ. Các em chọn sách, chọn truyện để đọc theo sở thích và sự giới thiệu của bạn bè chứ không có sự chọn lựa loại sách theo đúng lứa tuổi và những loại sách đem lại kiến thức bổ ích cho mình. Về việc các em thích đọc truyện tranh nước ngoài mà nhất là truyện tranh Nhật Bản, vì văn phong trong mấy truyện này rất ngắn gọn, nội dung rõ ràng không phải suy nghĩ gì cả. Màu sắc in ấn tốt, hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, nội dung trong truyện lại khá bạo lực, hình ảnh và từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi của các em, điều đó có tác động không tốt đến sự phát triển và tư duy của các em.
Bài, ảnh: Trúc Giang