(Báo Quảng Ngãi)- Thông tư 30 ra đời là nhằm mục đích giảm áp lực cho học sinh (HS) tiểu học cũng như phụ huynh trong việc thay điểm số bằng lời nhận xét theo hướng tích cực, khuyến khích HS nỗ lực trong học tâp. Tuy nhiên, sau một học kỳ thực hiện đã bộc lộ một số vướng mắc.
TIN LIÊN QUAN
Lời nhận xét gây nhàm chán
Nhiều giáo viên tiểu học “than thở” vì phải ghi lời nhận xét cùng một lúc hàng trăm em vào dịp cuối học kỳ I. Trong đó, giáo viên bộ môn là người phải nhận xét nhiều nhất. Anh H.C.T (giáo viên thể dục) cho biết, anh phải nhận xét cho trên 600 HS của 12 lớp. Mỗi lần lên lớp, anh phải dành 1/2 thời gian để nhận xét, đánh giá HS hàng tuần, hàng tháng. Theo anh T. vất vả nhất là đánh giá HS cuối học kỳ I. Vì không nhớ hết tên của HS nên anh phải dành thời gian trên lớp để viết lời nhận xét. “Những môn khác, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm có thể mang vở, sổ về nhà để ghi lời nhận xét nhưng anh phải làm trực tiếp trên lớp vì về nhà thì sẽ không nhận biết được từng HS để nhận xét. Điều này là rất bất cập vì giáo viên sẽ không có nhiều thời gian trên lớp cho các em”, thầy T. nói.
Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học tiếng Anh. |
Không khác gì bộ môn thể dục, cô Bùi Thị Như Nguyện (giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi) cũng phải nhận xét trên 250 HS. Để thực hiện nhận xét HS cuối học kỳ I, giáo viên phải căn cứ vào những lời nhận xét hằng tháng và bài kiểm tra học kỳ của các em. Sau đó, giáo viên bộ môn phải họp với từng giáo viên chủ nhiệm để thống nhất đánh giá xếp loại phẩm chất, năng lực của HS từng lớp.
Cô H.T.P, một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, lắc đầu: “Thông tư 30 có cái hay là giảm bớt áp lực cho học sinh nhưng lại quá vất vả về sổ sách. Giáo viên phải ghi nhận xét cho rất nhiều HS hằng tháng. Đã vậy, giáo viên phải lặp lại nội dung nhận xét này ở sổ liên lạc, học bạ học kỳ I”. Cô P. cho biết thêm, lời nhận xét cho các em đạt từ 5-10 điểm rất giống nhau; chỉ những trường hợp đặc biệt mới có lời nhận xét khác. Điều này đã gây nhàm chán cho chính giáo viên lẫn HS. Nhiều khi các em cũng không quan tâm đến lời nhận xét của giáo viên vì không có gì mới. Ngay cả lời nhận xét cuối học kỳ I cũng lặp lại nhiều. Điều này đã không thúc đẩy HS cố gắng trong học tập dẫn đến kết quả kiểm tra học kỳ của các em đạt thấp hơn so với mọi năm.
Chính vì những lời nhận xét chung chung nên phụ huynh cũng không nắm bắt được khả năng của con mình đến mức nào. Chị N.T.H, một phụ huynh có con học tại TP. Quảng Ngãi, cho biết mỗi lần đón con, chị đều mở vở ra xem kết quả học tập của con thế nào. Tuy nhiên với những lời nhận xét chung chung như “em cần cố gắng hơn nữa để có kết quả tốt hơn”, “hôm nay em có nhiều tiến bộ, hãy cố gắng thêm nữa”… Chị H. không biết cụ thể là chưa tốt ở chỗ nào để có thể chỉ thêm cho cháu.
Lúng túng trong khen thưởng
Cô Vũ Thị Thanh Thủy (Giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi), cho biết: Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về đánh giá, khen thưởng dựa trên 3 tiêu chí là kiến thức kỹ năng, phẩm chất năng lực và các hoạt động ngoài giờ, nhưng rất khó áp dụng. Quá trình thực hiện việc xét khen thưởng rất phức tạp. Đơn cử như theo văn bản thì hiệu trưởng là người quyết định nội dung khen thưởng, nhưng yêu cầu thực hiện lại dựa trên danh sách đề nghị của giáo viên chủ nhiệm.
Trong khi đó, giáo viên chủ nhiệm muốn có danh sách này phải tham khảo kết quả bình bầu của HS, tổng hợp thêm ý kiến giáo viên bộ môn và phụ huynh trong lớp. Thêm vào đó, các tiêu chí để xác định HS nào được khen thưởng chỉ dựa trên những xác định theo định tính chứ không theo định lượng đã gây khó khăn cho giáo viên. Vì thế, đến thời điểm này, khi đã bước sang học kỳ II được 2 tuần nhưng nhiều trường vẫn chưa thể tổng kết khen thưởng học kỳ I.
Bên cạnh đó cũng có một số trường đã đưa ra giải pháp tạm thời cho học kỳ I. Đơn cử như Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ I, giáo viên chủ nhiệm đã họp với giáo viên các bộ môn để thống nhất xếp loại năng lực phẩm chất, còn kiến thức kỹ năng giáo viên chủ nhiệm dựa trên xếp loại của giáo viên bộ môn để xếp loại.
Việc đổi mới của Bộ GD&ĐT trong việc thay điểm số bằng lời nhận xét đối với HS bậc tiểu học nhằm mục đích giảm áp lực cho HS. Tuy nhiên sau một học kỳ thực hiện, thông tư đã bộc lộ những vướng mắc. Ngành giáo dục cần có những hướng dẫn cụ thể, sát với thực tế địa phương nhằm tránh tình trạng thiếu đồng bộ ở các trường như hiện nay.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG