(Báo Quảng Ngãi)- Thi giáo viên dạy giỏi (GVDG) là một trong những cách thức đánh giá năng lực giáo viên và xếp hạng thi đua của ngành giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, cũng có dư luận đặt vấn đề, cần phải nhìn nhận lại cuộc thi này, vì có phản ánh đúng chất lượng dạy học của ngành giáo dục hay không.
Liệu có phản ánh thực chất?
Ở tỉnh ta, hằng năm vào thời điểm tháng 11, các trường thường đồng loạt tổ chức hội thi GVDG cấp trường. Giáo viên sau khi đạt danh hiệu GVDG cấp trường (tổ chức hằng năm), sẽ tiếp tục dự thi GVDG cấp huyện, thành phố (2 năm/ lần) và cấp tỉnh (4 năm/ lần). Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nội dung thi GVDG sẽ gồm 3 phần: Kiểm tra năng lực, hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm; báo cáo sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; thực hành giảng dạy 2 tiết trong chương trình giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi (trong đó có 1 tiết giáo viên tự chọn và 1 tiết do ban tổ chức xác định bằng hình thức bốc thăm).
Trao giải tại hội thi GVDG cấp tỉnh bậc mầm non. |
Nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá GVDG qua 1-2 tiết học là chưa chính xác, thậm chí dẫn đến sự “dàn dựng” của giáo viên với học sinh để tiết học sôi nổi, đạt kết quả. Một giáo viên đi thi GVDG, không chỉ là sự chuẩn bị của bản thân giáo viên đó, mà còn được góp ý, sửa chữa nhiều lần bởi đồng nghiệp trong tổ bộ môn, nhà trường để lấy thành tích... Do vậy, cách thi đó không phản ánh thực chất năng lực của giáo viên. Đối với phần thi sáng kiến kinh nghiệm, được đánh giá là “dễ dàng” vì các đề tài dự thi phần lớn được “xào nấu” lại từ mạng internet. Với những đề tài hay, đặc sắc, giáo viên có sự đầu tư… thì cũng chỉ được sử dụng đi thi hoặc trong quy mô trường, lớp, không được áp dụng rộng rãi, phổ biến. Do đó không kích thích sự đầu tư của giáo viên cũng như làm mất giá trị và hiệu quả thực tế của hội thi GVDG.
Áp lực cho giáo viên
Thầy Nguyễn Văn Kiểm- Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi cho biết, hằng năm thành phố có từ 30-50 giáo viên dự thi GVDG cấp thành phố bậc tiểu học (sau thời điểm sáp nhập tăng lên 50-100 GV), và có khoảng 80-90% giáo viên dự thi đạt GVDG. Số giáo viên không đạt GVDG phần lớn vì không vượt qua phần thi kiểm tra năng lực. Phần thi này gồm câu hỏi xoay quanh các văn bản, luật, thông tư, điều lệ… về ngành giáo dục. Những kiến thức này, giáo viên được bồi dưỡng 1-2 lần/năm. Tuy nhiên, hoạt động giảng dạy, chấm bài, soạn giáo án… đã chiếm hết thời gian trong năm của thầy, cô giáo. Do đó, mỗi lần thi GVDG, việc tìm hiểu, nghiên cứu và học thuộc lòng các văn bản trên trở nên vô cùng vất vả với giáo viên dự thi.
Qua được vòng thi năng lực, giáo viên phải tiếp tục soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, bài giảng điện tử… cho 2 tiết dạy. Tuy các trường đều có đồ dùng dạy học, nhưng là đồ dùng đơn giản, đại trà. Việc dự thi đòi hỏi phải có những đồ dùng dạy học đặc sắc, phục vụ chuyên sâu cho nội dung bài thi, nên giáo viên phải chuẩn bị rất kỳ công và tốn kém. Với tiết dạy do bốc thăm, giáo viên dự thi còn phải đến lớp đã bốc thăm trúng, làm quen, tìm hiểu năng lực, tên tuổi học sinh, dặn dò học sinh chuẩn bị cho tiết dạy của mình.
Nhiều giáo viên chia sẻ, ngoài áp lực chuẩn bị cho việc đi thi, giáo viên sau khi đạt GVDG cấp trường, còn phải đạt GVDG cấp huyện, thành phố 2 lần mới được thi GVDG cấp tỉnh (vì 4 năm/lần). Do đó đã tham gia thi thì phải theo suốt đợt thi, khiến giáo viên dự thi tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Cần được nhìn nhận, đổi mới
Hội thi GVDG với mục đích chính là tuyển chọn, tôn vinh những GVDG. Bên cạnh đó cũng là căn cứ đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, là cơ sở thi đua giữa các trường, các địa phương... Do đó, từ lâu đã đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động giáo dục của nước ta. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kiên- PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh thì cần nhìn nhận rõ, thi GVDG là hội thi mang tính phong trào, khuyến khích, để phục vụ thi đua trong ngành. Mục đích của hội thi không mang tính tranh đua. Do đó, giáo viên đi thi và nhà trường không nên đặt áp lực mà nên xem hội thi như một sân chơi để giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Cô Trương Thị Ngọc Dự- giáo viên Trường TH Trần Hưng Đạo, chia sẻ: “Tham gia thi GVDG, giáo viên không tránh khỏi áp lực và vất vả chuẩn bị. Tuy nhiên, tham gia hội thi cũng là cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Từ đó, có thể phục vụ trở lại cho việc giảng dạy tại nhà trường”.
Đánh giá chất lượng GVDG của tỉnh ta, ông Trần Hữu Tháp- Phó GĐ Sở GD&ĐT cho biết: “Phần lớn những giáo viên dự thi GVDG, dù đạt hay không, đều có sự tiến bộ nhất định trong quá trình học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của kỳ thi. Đó là mặt tích cực mà hội thi GVDG mang lại”. Cũng theo ông Tháp, cần phân biệt giữa GVDG và giáo viên giỏi. Việc công nhận GVDG chỉ cho thấy giáo viên đó đạt đủ tiêu chuẩn của cuộc thi GVDG trong năm đó. Không có GVDG suốt đời và GVDG cũng chưa chắc đã là giáo viên giỏi.
Ông Tháp cũng cho rằng, hội thi GVDG đóng vai trò quan trọng trong công tác thi đua, đánh giá chất lượng dạy học. Do đó, không thể bãi bỏ hội thi mà cần sự đổi mới, bổ sung thêm các yếu tố khác như khảo sát ý kiến học sinh, tiêu chuẩn của giáo viên trong suốt quá trình giảng dạy tại nhà trường. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thi phải được tổ chức nghiêm túc, bài bản. Có vậy hội thi GVDG mới đạt được mục đích đề ra và người GVDG mới đảm bảo được thực chất.
Bài, ảnh: Hà Xuyên