(Baoquangngai.vn)- Chất lượng đào tạo theo chế độ cử tuyển thấp, nhiều sinh viên ra trường chưa bố trí được việc làm hoặc không đủ năng lực để đảm nhận công việc. Dừng hay tiếp tục theo hình thức này đã được mang ra mổ xẻ tại Hội nghị Sơ kết thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ về công tác đào tạo hệ cử tuyển giai đoạn 2008-2014 vào ngày 26.12 vừa qua.
Chính sách đúng, nhưng chất lượng thấp
Trong 6 năm qua, Quảng Ngãi có 427 sinh viên được đào tạo theo hình thức cử tuyển ở các trường ĐH, CĐ trong cả nước, trong đó có 370 em học bậc ĐH và 57 em học bậc CĐ. Hiện có 166 sinh viên được phân công tác về các địa phương. Đây là chính sách đúng đắn, tạo nguồn cán bộ là người địa phương miền núi, giảm khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.
Theo ông Hồ Văn Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, huyện đã bố trí công tác cho 33 em, còn 33 em đang học. Hầu hết cán bộ được đào tạo phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Nhiều trường hợp được cân nhắc giữ chức vụ phó trưởng phòng các phòng, ban của huyện, có 2 em đang ở cương vị là phó chủ tịch xã theo Dự án 600 tri thức trẻ.
Giiáo viên huyện miền núi Tây Trà trong lớp tập huấn tiếng Cor. |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc xét đưa đi cử tuyển và quá trình đào tạo…, nhiều trường hợp sinh viên cử tuyển sau khi được đào tạo trở về có chuyên môn yếu, không đáp ứng được nhu cầu công việc được giao, đáng chú ý là các ngành sư phạm, y dược và kinh tế kỹ thuật.
Ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở GD&ĐT thẳng thắn: Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng gửi bảng điểm thông báo về địa phương, trong thư Trường không quên ghi chú nhiều em muốn tốt nghiệp phải học 7 đến 8 năm nữa. Như vậy, có em phải mất đến 12 năm mới tốt nghiệp, vừa lãng phí thời gian vừa lãng phí tiền của nhà nước.
Cử tuyển ngành sư phạm quá khó cho ngành giáo dục, học tiếng Việt với các em là ngoại ngữ. Có trường hợp sinh viên cử tuyển ra trường phân công tác đứng lớp, nhưng không làm được các phép tính thập phân nên nhà trường cũng đành ngậm ngùi “trả về”.
Đã vậy, ngành y dược, còn “trầy vi tróc vảy” hơn khi đầu vào các em đa phần chỉ bằng 1/3 điểm của đầu vào của thí sinh chính quy mà nghề này liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của con người.
“Tham vọng” ở những ngành đòi hỏi trình độ cao nên cử đi học ở những ngành nghe rất “kêu” như bách khoa, nhưng thực tế các em học không nổi. Đầu vào thấp thì đầu ra không thể cao được.
Tâm lý ỉ lại cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng. Trong khi học sinh thi đỗ vào chính quy không được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào, còn học sinh cử tuyển hiển nhiên nên các em đâm ra ỉ lại. Nhiều em không mặn mà với việc học, bỏ học giữa chừng, nhưng địa phương cũng không nắm rõ.
Áp lực giải quyết việc làm
Không chỉ nổi lên là chất lượng mà việc đưa đi học ồ ạt không dự báo trước được nhu cầu việc làm đang gây ra khủng hoảng thừa. Hiện huyện Ba Tơ có 34 em đang theo học lớp quản trị kinh doanh tại ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Nhiều sinh viên chưa được bố trí công tác phải đi lao động phổ thông kiếm sống.
Nhiều sinh viên ra trường chưa được bố trí việc làm phải đi lao động phổ thông. |
Hay như theo thống kê của Sở GD&ĐT, từ năm 2008 đến 2014, Quảng Ngãi có 1026 sinh viên đang theo học các ngành y, dự kiến các em này sẽ tốt nghiệp trong giai đoạn 2014-2020. Giải quyết việc làm một lúc cho số lượng đông thế này là áp lực rất lớn trong khi biến chế không có.
“Đã đào tạo rồi mà không bố trí được việc làm cho các em như cam kết trước khi đưa đi rất tội, có gia đình phải bán cả bò, cả đất, cả rẫy để lo cho con ăn học. Tăng biên chế thì may ra mới có chỗ bố trí”- ông Hồ Văn Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ.
Do tâm lý của lãnh đạo địa phương là học vẫn hơn không, cứ cho đi học rồi tính sau nên áp lực giải quyết việc làm rất lớn. Bất cập là công tác quản lý ở các huyện làm theo phong trào mà không lường trước được, không dự phòng biên chế.
Đào tạo theo nhu cầu
Ông Đoàn Dụng quả quyết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng “khép lại” không đơn giản. Huyện nào có nhu cầu thì tiếp tục, không có thì thôi. Nên dừng cử tuyển các ngành sư phạm, y dược và kỹ thuật. Không nhất thiết phải ĐH mà cử tuyển nghề, các ngành nghề phù hợp cho lao động tay nghề không cao, hướng bên học nghề để có cơ hội làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh”.
Cùng quan điểm, theo bà Nguyễn Thị Ánh Lan- Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Các huyện cần rà soát lại toàn bộ vị trí việc làm, thiếu ngành nào đưa đi ngành đó và có kế hoạch dự phòng biên chế. Một khi địa phương đã đưa đi học phải gắn trách nhiệm sắp xếp việc làm cho các em.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích cho rằng, việc cần tập trung trước mắt là giải quyết việc làm cho số sinh viên còn tồn đọng. Căn cứ vào nhu cầu của từng huyện mà cử đi học theo hình thức gắn địa chỉ đầu ra, nên cử tuyển nghề, các ngành khoa học xã hội thay cho các ngành trình độ cao như trước.
Bài, ảnh: Ái Kiều