(Báo Quảng Ngãi)- Học sinh Trường Mầm non Trà Thủy phần lớn là con em đồng bào Cor, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Nhiều phụ huynh đi làm rẫy, để con tự đi bộ hơn 1km đến trường, với bộ quần áo nhem nhuốc, nhiều cháu đi chân đất, mình ướt đẫm vì không có áo mưa, khiến chúng tôi không khỏi xót lòng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cô giáo Phạm Thị Kim Phước, chia sẻ: “Ở đây là vậy đấy! Chỉ có một số ít cháu có điều kiện kinh tế tương đối thì mới được bố mẹ chăm chút khi đến trường. Còn lại phụ huynh phó mặc cho nhà trường”. Chính vì thế, tỷ lệ trẻ em SDD của trường ở thứ hạng cao nhất tỉnh. Có thời điểm tỷ lệ trẻ SDD lên đến gần 60%. Năm học 2014- 2015, toàn trường có gần 240 cháu thì có đến gần 80 cháu SDD (chiếm trên 32%). Chị Hồ Thị Nga, phụ huynh cháu Hồ Thị Như Ý, tâm sự: “Nhà có 4 người, vợ chồng đi làm thuê suốt nhưng thiếu ăn. Nhiều bữa chỉ ăn rau rừng với nước mắm, nên cháu Ý mới 2 tuổi đã bị suy dinh dưỡng rồi”.
Theo Nghị định 49/CP, mỗi trẻ được hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng, nhưng nguồn tiền này phân bổ chậm, thường thì đầu học kỳ II, phụ huynh mới được nhận tiền hỗ trợ ăn trưa học kỳ I và đầu học kỳ I năm sau mới được nhận tiền hỗ trợ của học kỳ II năm trước. Tuy nhiên, nguồn tiền này được một số phụ huynh sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến không có tiền đóng tiền ăn cho con nên cho các cháu nghỉ học. “Với số tiền 7.000 đồng/ngày cho 1 bữa ăn chính và 1 bữa ăn phụ thì chất lượng của bữa ăn không đảm bảo. Nhiều khi nhà trường phải mua nợ thực phẩm, chờ đến khi phụ huynh nhận và nộp tiền hỗ trợ rồi mới thanh toán…”, cô giáo Lê Thị Kim Chi-Hiệu trưởng Trường MN Trà Thủy, cho biết.
Cô Chi cho rằng, nguyên nhân học sinh của trường bị SDD chiếm tỷ lệ cao một phần do nhận thức của phụ huynh còn hạn chế và điều kiện kinh tế quá khó khăn. Mặt khác, trẻ SDD, thấp còi có thể là do di truyền từ thể trạng của bố, mẹ. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn nên không có điều kiện cho tất cả các cháu học bán trú. Toàn trường có 6 điểm với 9 lớp (2 nhà trẻ và 7 lớp mẫu giáo) thì chỉ có 3 điểm bán trú ở thôn 2, thôn 5, thôn 3. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học cũng như vấn đề dinh dưỡng cho trẻ.
Cô giáo Chi bức xúc: “Việc không tổ chức bán trú nhưng trẻ phải đến trường 2 buổi/ngày là điều bất hợp lý và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ SDD cao”. Thực tế, những điểm có tổ chức bán trú, trẻ được cải thiện bữa ăn trưa nên tỷ lệ trẻ SDD giảm và có xu hướng tăng cân, nên nhà trường mong muốn việc hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ kịp thời hơn và mở thêm điểm học bán trú.
TRỊNH PHƯƠNG