Ngành giáo dục TP.Quảng Ngãi: Phải tháo gỡ cho được những bất cập

02:10, 31/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại hội nghị nâng cao chất lượng và những giải pháp khắc phục tình trạng học sinh (HS) bỏ học do UBND TP.Quảng Ngãi tổ chức chiều 30.10, các đại biểu đã thẳng thắn “mổ xẻ” nguyên nhân dẫn đến hạn chế về chất lượng giáo dục cũng như thực trạng HS bỏ học.    

TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Thực tiễn cho thấy ngành giáo dục thành phố còn bộc lộ một số yếu kém phải được tháo gỡ. Một là, tình trạng HS bỏ học tăng ở một số xã ven biển. Hai là, kết quả khảo sát đầu năm học có nhiều học sinh yếu kém, trung bình, chưa xứng tầm của đô thị”. Sau khi sáp nhập các xã, phường theo Nghị quyết 123 của Chính phủ, ngành giáo dục thành phố tiếp nhận thêm 19 trường tiểu học và 13 trường THCS. Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh-Trưởng Phòng GD&ĐT cho hay, sau khi sáp nhập các địa phương, bức tranh giáo dục của thành phố phát triển về quy mô trường lớp, giáo viên, HS, song đi kèm là nỗi lo về cơ sở vật chất, HS bỏ học và nhất là sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường trên địa bàn thành phố.

 

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.


Kết quả khảo sát chất lượng đầu năm học 2014-2015 đối với HS từ lớp 6 đến lớp 9 trên địa bàn thành phố bộc lộ rõ hạn chế về mặt chất lượng giáo dục. Môn Toán khảo sát gần 14.000 HS, tỷ lệ HS dưới 5 điểm chiếm 45,6%; môn Ngữ văn có 49,5% HS dưới 5 điểm. Môn tiếng Anh khảo sát gần 10.000 thì có 41,7% HS có điểm dưới 5. Về tình trạng HS  bỏ học, thống kê của Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi trong 3 năm học gần đây có 580 HS bỏ học (1,4%), nhiều nhất là Trường THCS Nghĩa An (249 HS, chiếm tỷ lệ 9,2%).
 

“Phải quyết liệt và kiên trì để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuyệt đối không chạy theo bệnh thành tích, không để HS ngồi nhầm lớp”,  Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Dụng phát biểu tại hội nghị.

Nhiều đại biểu cho rằng, ngành giáo dục phải nhìn nhận lại trình độ chuyên môn và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Tình trạng dạy thêm-học thêm vẫn còn tràn lan. Nhiều giáo viên chưa làm tốt trách nhiệm nêu gương cho HS. Cần đẩy mạnh thực hiện luân chuyển giáo viên. “HS bỏ học nhiều, chất lượng thấp. Đội ngũ giáo viên cần xem lại trình độ chuyên môn. Tôi nhận khuyết điểm về hạn chế của công tác giáo dục ở địa phương, thời gian tới sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn”, ông Võ Văn Đại-Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, nhìn nhận hạn chế ở Trường THCS Võ Bẩm.

 Đối với tình trạng HS bỏ học, phần lớn là HS có học lực yếu kém. Ông Phạm Văn Nghiệp-Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An thừa nhận nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng HS bỏ học. “Trường đã đẩy mạnh vận động nhưng HS trở lại lớp quá ít. Điều này gây khó khăn cho việc giữ chuẩn phổ cập giáo dục THCS của xã”, ông Nghiệp nói. Một số đại biểu đề nghị chính quyền các địa phương phải quyết liệt vào cuộc giải quyết tình trạng HS bỏ học, phải có biện pháp cụ thể để nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh.

Tại hội nghị, tiến sĩ Nguyễn Văn Anh kêu gọi toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý-giáo viên nâng cao hơn nữa trách nhiệm để nâng cao chất lượng giáo dục. Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu các địa phương đưa vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục và việc giải quyết tình trạng học sinh bỏ học vào nghị quyết của Đảng bộ để có giải pháp triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
      

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.