(Baoquangngai.vn)- Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT “2 trong 1” từ năm 2015. Quyết định này được dư luận khá đồng tình, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều băn khoăn với phương thức thi mới và thời gian triển khai quá gấp.
Việc triển khai quá gấp!
Như vậy, từ năm 2015, sẽ không có kỳ thi THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Phương án này khả thi nhất, khẳng định quyết tâm đổi mới, nhằm giảm gánh nặng thi cử cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội.
Cụ thể, về môn thi: Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Thầy Trương Quang Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Số 1 Tư Nghĩa cho rằng đổi mới là tất yếu, phù hợp với việc đổi mới căn bản về giáo dục và đào tạo, nhưng cần có lộ trình để thích nghi. Về cơ bản sẽ giảm bớt được một kỳ thi cho thí sinh, nhưng cồng kềnh, phức tạp ở khâu tổ chức, bản thân là người quản lý chưa hình dung ra cách thức thi cử như thế nào.
Về môn thi chưa thể gọi là giảm gánh nặng, bởi lẻ khi muốn xét tuyển vào ĐH, CĐ, các em phải đăng ký thi thêm các môn khác. Như vậy chí ít mỗi em cũng phải thi 5 môn.
Cũng theo thầy Dũng, học sinh sẽ chắc chắn tập trung học các môn mà các em định hướng sẽ xét tuyển vào ĐH, CĐ, các môn học khác sẽ đối phó, dẫn đến học lệch. Trong khi đó, xét công nhận tốt nghiệp sử dụng kết quả 4 môn thi và trung bình cả năm lớp 12, nên khả năng đỗ tốt nghiệp sẽ thấp.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi vào năm 2015 là hơi vội. |
Cô Nguyễn Thị Lê Cơ- giáo viên bộ môn Toán, Trường THPT Số 1 Tư Nghĩa thì cho rằng, phương án thi này áp dụng từ năm 2015 là hơi gấp, khiến người dạy lẫn người học trở tay không kịp, cần phải có lộ trình để giáo viên và học sinh tiếp cận dần.
Với phương án thi mới, các trường ở đồng bằng lo một thì các trường ở miền núi lo mười. Bởi tỷ lệ đỗ ĐH, CĐ của trường hàng năm trung bình khoảng 10%. Với học sinh miền núi, đa phần cái đích các em nhắm đến là tốt nghiệp THPT để có cơ sở học nghề, học các trường trung cấp.
Theo thầy Trương Văn Nhơn- Hiệu trưởng Trường THPT Minh Long, việc tổ chức một kỳ thi chung ngay từ năm nay là hơi vội, nên áp dụng vào năm 2017.
Nhiều băn khoăn
Kỳ thi tới đang ở rất gần trong khi mọi thứ chưa có câu trả lời rõ ràng. Nhiều học sinh lớp 12 hết sức lo lắng, không rõ đề thi sẽ ra sao?
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh khẳng định: Nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông và chủ yếu của lớp 12. Đề thi tương tự với đề thi năm 2014, đảm bảo yêu cầu đánh giá thí sinh ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, từ đó đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Sẽ không tách riêng phần của thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ với thí sinh chỉ xét công nhận tốt nghiệp mà chỉ có các câu hỏi phân hóa, đáp ứng yêu cầu cơ bản, nâng cao.
Các trường miền núi đang hết sức lo lắng cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT. Ảnh minh hoạ |
Để đảm bảo an toàn, nghiêm túc việc thi theo cụm, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ "áp dụng rất linh hoạt". Song linh hoạt như thế nào thì nhiều người vẫn chưa hình dung được.
Thầy Phạm Đăng Phước- Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng Phước cho rằng, khâu tổ chức phải thật nghiêm túc và đảm bảo chất lượng của kỳ thi để các trường ĐH, CĐ tin tưởng vào kết quả thi, yên tâm lựa chọn sinh viên dự tuyển vào trường. Với chủ trương về các môn thi và cách thức xét tuyển, nên lường trước hồ sơ ảo vì một thí sinh có thể đăng ký thi nhiều môn, dự tuyển ở nhiều khối ở nhiều trường khác nhau.
Là người đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh nhà, ông Đoàn Dụng- giám đốc Sở GD&ĐT bày tỏ: Lo nhất là hướng ra đề mở, học sinh phải biết vận dụng kiến thức được học để làm bài, đòi hỏi phải tư duy, khả năng vận dụng kiến thức từ thấp đến cao, điều này học sinh khá, giỏi mới làm được.
Không chỉ giáo viên, nhà quản lý giáo dục mà hều hết học sinh rất băn khoăn. Em Đinh Vĩnh Quý, học sinh lớp 12C2, Trường THPT Minh Long nói: “Em nghĩ cũng có cái hay khi chỉ thi một kỳ thi, nhưng mục tiêu của các em đầu tiên là đỗ tốt nghiệp mà phải đi xa thi sợ tâm lý không ổn định dễ bị trượt”.
Bài, ảnh: Ái Kiều