(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo 3 phương án để tổ chức kỳ thi quốc gia 2 trong 1. Dư luận xã hội đồng tình với chủ trương đổi mới, song cũng có không ít băn khoăn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chọn thi cử làm khâu đột phá
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ để bàn về các phương án thi của kỳ thi quốc gia 2 trong 1 do Bộ GD&ĐT đưa ra và dự kiến sẽ áp dụng phương án thi mới vào năm 2015. Theo PGS.TS Phạm Đăng Phước-Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, kỳ thi này nhằm hai mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ và các trường nghề cũng dựa vào kết quả của kỳ thi để xét tuyển.
Nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng trước thông tin đổi mới thi cử của Bộ GD&ĐT. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Khiết. Ảnh: TRỊNH PHƯƠNG |
Với kỳ thi quốc gia theo phương án Bộ GD&ĐT đưa ra, việc xét tốt nghiệp sẽ dựa trên kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Việc tuyển sinh sẽ giao cho các trường ĐH, CĐ chủ động. Các trường sẽ căn cứ vào kết quả của kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, hoặc sẽ vừa căn cứ vào kết quả của kỳ thi quốc gia, vừa tổ chức thêm các hình thức kiểm tra, xét tuyển khác. Tuy nhiên, không bắt buộc các trường phải sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia mà có thể có đề án tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng theo yêu cầu và đặc thù đào tạo.
Điểm đổi mới quan trọng của cả các phương án do Bộ GD&ĐT đưa ra là môn ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc nằm trong số các môn thi tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong các phương án được Bộ GD-ĐT công bố chỉ có những điểm khác biệt ở quy định hình thức thi.
Phương án tổ chức kỳ thi quốc gia được Bộ đưa ra và thảo luận để thăm dò ý kiến của các chuyên gia trong ngành giáo dục cũng như toàn xã hội nhằm hướng tới sự thống nhất về quan điểm, thay đổi về nhận thức của các cấp quản lý trong ngành GD&ĐT. Hầu hết ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo dục đều đồng tình với việc đổi mới thi cử. Đây được xem là khâu đột phá trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Cần lộ trình phù hợp
Đổi mới trong thi cử là tất yếu để góp phần thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, để đổi mới đòi hỏi cả một quá trình. Đổi mới phải phù hợp với đặc điểm và nguồn nhân lực của nước nhà để thúc đẩy sự phát triển của xã hội nhằm tránh sự trì trệ. Ông Bùi Phụ Anh-Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính- Kế toán bày tỏ quan điểm: “Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo, chúng tôi mong muốn tự chủ trong công tác tuyển sinh. Nếu kỳ thi quốc gia đảm bảo tính khách quan, chính xác như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì nhà trường ủng hộ. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là với những phương án Bộ đưa ra liệu cách học của học sinh có tương thích với cách thi hay không”.
Cô giáo Tôn Thị Hoa Sứ (dạy Ngữ văn, Trường THPT số 2 Tư Nghĩa) thì cho rằng, nếu ra đề thi theo hướng tích hợp sẽ rất khó khăn cho học sinh. Muốn thay đổi cách ra đề, trước tiên phải thay đổi sách giáo khoa cho phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng đổi mới thi cử là tất yếu nhưng trong năm 2015 là quá gấp. Cũng như nhiều bạn học cùng khối lớp, em Võ Thị Duyên (lớp 12 chuyên Tin học, Trường THPT chuyên Lê Khiết) tỏ ra lo lắng vì năm học đến sẽ bước vào thử thách quan trọng của cuộc đời. Duyên bộc bạch: “Em đồng tình với việc đổi mới nhưng nếu Bộ áp dụng trong năm 2015 thì gấp quá. Sự đổi mới này liên quan đến cả một quá trình dạy và học. Hiện tại em vẫn chưa hình dung được cách dạy và học cũng như cách ra đề thi mới của Bộ”.
PGS.TS Phạm Đăng Phước đồng tình với việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo ông Phước, Bộ GD&ĐT cần xem xét và đưa ra lộ trình thực hiện đổi mới thi cử một cách phù hợp.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG