(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù nhà trường cùng với chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, tuy nhiên kết quả không như mong đợi. Không chỉ học sinh (HS) học yếu mới bỏ học mà cả học sinh có học lực trung bình trở lên cũng không muốn đến trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Điệp khúc buồn
Đối với TP.Quảng Ngãi, sau khi sáp nhập các xã, thị trấn theo Nghị quyết 123 của Chính phủ, tình trạng HS bỏ học trở thành nỗi lo hàng đầu. Chúng tôi có mặt tại Trường THCS Nghĩa An sau 1 tuần HS tựu trường. Theo biên chế đầu năm học thì Trường THCS Nghĩa An có 970 HS, nhưng có đến 48 em không ra lớp. Hiện tại nhiều em không có mặt tại địa phương. Theo Ban giám hiệu nhà trường, số HS bỏ học rải rác ở các khối lớp. Số HS bỏ học năm sau cao hơn năm trước. Theo thầy giáo Phạm Văn Nghiệp- Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An, ngay cả HS lớp 9 cũng bỏ học. Trong số 9 em bỏ học đến thời điểm này thì có đến 6 em đã đi làm biển.
Trong các giờ chào cờ, học sinh luôn được giáo dục, nâng cao ý thức học tập. |
Theo Ban giám hiệu nhà trường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến học sinh xã biển Nghĩa An bỏ học. Trong đó có nguyên nhân là do bản thân các em học yếu, phụ huynh lại xem nhẹ việc học của con em, các chủ phương tiện tàu thuyền đang rất cần lực lượng lao động đi biển. Chị N.T.L ở thôn Phổ Trung, mới cho đứa con học lớp 7 nghỉ học ở nhà để đi nấu cơm cho tàu đánh cá. Chị L. lý giải, lúc trước được thụ hưởng chương trình bãi ngang ven biển nên không phải nộp học phí, từ năm 2013 chương trình này bị cắt, gia đình khó khăn nên không cho con đi học.
Năm học nào Trường THCS Nghĩa An cũng có học sinh bỏ học giữa chừng khiến cho giáo viên và cán bộ ở địa phương phải “đau đầu”. Thầy giáo Lê Văn Tạo-Phó hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THCS Nghĩa An cho biết, tình trạng học sinh bỏ học ở Nghĩa An kéo dài hàng chục năm nay. Năm nào cũng có học sinh bỏ học, nhiều nhất là năm học 2013- 2014 có đến 105 em bỏ học (chiếm gần 12%). Việc học sinh bỏ học ngày càng tăng khiến kế hoạch xây dựng trường chuẩn Quốc gia mà nhà trường đăng ký từ năm 2005 đến nay vẫn không thể thực hiện được. “Theo tiêu chí xây dựng trường chuẩn thì không quá 1% học sinh bỏ học. Trong khi đó con số thực tế học sinh bỏ học của trường quá cao. Mặc dù trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng vẫn không có kết quả…”, thầy giáo Lê Văn Tạo trăn trở.
Bài toán bao giờ có lời giải?
Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa An Phạm Văn Nghiệp cho biết, ngay trong hè, các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp đến tận nhà để vận động HS tiếp tục ra lớp. Nhiều giáo viên bị gia đình từ chối không tiếp. Nhiều gia đình đi làm ăn xa, đánh bắt xa bờ trong thời gian dài nên gửi con lại cho ông bà trông nom dẫn đến việc tuyên truyền vận động của nhà trường và chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn.
Bà Võ Thị Lệ Thu-Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho hay, toàn xã có khoảng hơn 4.000 hộ với trên 21 nghìn khẩu, trên 90% người dân sống bằng nghề biển, chủ yếu đánh bắt xa bờ, điều này dẫn đến công tác vận động gặp khó khăn. Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để khống chế tình trạng HS bỏ học. Đối với HS bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn thì địa phương sẽ phối hợp với nhà trường có biện pháp hỗ trợ.
Thầy giáo Phạm Văn Nghiệp cho rằng nhà trường chỉ đi vận động chứ không thể áp dụng biện pháp chế tài. Đảng ủy xã phải có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này và triển khai rộng rãi đến toàn thể dân cư để nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng của việc học và để giải bài toán học sinh bỏ học ở Nghĩa An cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG