(Báo Quảng Ngãi)- Theo BHXH tỉnh, huyện Bình Sơn cùng với TP. Quảng Ngãi là 2 địa phương có số doanh nghiệp nợ đọng BHXH cao nhất tỉnh hiện nay.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tháng nào bà Nguyễn Thị Thu Ba ở huyện Bình Sơn cũng bị trừ lương để đóng BHXH, nhưng nay đến tuổi nghỉ hưu bà vẫn chưa được cơ quan BHXH chốt sổ để nhận chế độ lương hưu theo quy định. Nguyên nhân là do Công ty CP Thiên Đàng, nơi bà làm việc nợ đọng BHXH, BHYT nhiều năm qua. Tổng số tiền công ty nợ BHXH hơn 850 triệu đồng từ 2008 đến nay.
Người lao động luôn gặp thiệt thòi về quyền lợi khi doanh nghiệp nợ BHXH (ảnh minh họa). |
Ông Lê Thanh Thảo- Giám đốc BHXH Bình Sơn cho biết: Đây là một trong những đơn vị nợ chây ì nhiều năm và nhiều lần trốn tránh khi cơ quan BHXH đến làm việc. Tình cảnh của chị Phan Thị Lộc làm việc tại Công ty Bê tông Dung Quất cũng không khá hơn. Khi chuẩn bị sinh con chị mới biết doanh nghiệp đang làm nợ BHXH, nên dù đóng BHXH đầy đủ hàng tháng, nhưng chị vẫn không được giải quyết chế độ thai sản theo quy định. Tổng số tiền mà doanh nghiệp này nợ là hơn 2,9 tỷ đồng. Tình cảnh của chị Lộc, bà Ba cũng là thiệt thòi chung của hàng nghìn nữ lao động hiện nay. Bên cạnh đó còn có hàng trăm lao động khác không được hưởng BHTN khi bị doanh nghiệp cho nghỉ việc giữa chừng.
Ông Lê Thanh Thảo cho biết thêm, trước tình trạng đó, BHXH quyết định sẽ kiện ra tòa 3 doanh nghiệp, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đó là, Công ty CP Thiên Đàng; Công ty CP Bê tông ly tâm Dung Quất, Công ty CP Đầu tư dịch vụ tổng hợp Phan Vũ.
Theo thống kê của BHXH huyện Bình Sơn, tính đến tháng 6.2014, tổng số tiền các doanh nghiệp trên địa bàn nợ lên đến hơn 10,3 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH hơn 8,2 tỷ đồng; nợ BHYT hơn 900 triệu đồng và nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 1,1 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu ở KKT Dung Quất. “Đây là thực tế rất đau lòng. Hy vọng trong thời gian tới cơ quan BHXH nhận được sự hợp tác nhiều hơn, sự chung tay của các cấp, ngành liên quan để cùng thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, thu hồi, xử lý nợ đọng BHXH từ doanh nghiệp”, ông Thảo mong muốn.
Mới đây, vào tháng 6.2014, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Luật này có quy định tăng mức xử phạt đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH và có hiệu lực vào năm 2015. Theo đó, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì không những phải đóng đủ số tiền chưa đóng mà còn phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây). Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT. Hy vọng cùng với những chế tài, quy định mới trên, việc xử lý nợ BHXH được cải thiện hơn, đem lại niềm vui cho người lao động.
Bài, ảnh: KN