Sáng nay (29-7), Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ năm học tới. Bộ GD-ĐT đã công bố 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia để trưng cầu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển công bố ba phương án đề xuất cho kỳ thi Quốc gia 2015 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Phó thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Kì thi quốc gia sẽ tổ chức như thế nào? Liệu có thể thực hiện ngay vào năm 2015 hay không là nội dung thu hút sự quan tâm nhiều nhất.
Với tính chất quan trọng của nội dung hội nghị nên Bộ GD-ĐT triệu tập đại diện của các sở GD-ĐT trên cả nước họp tập trung tại Hà Nội, không họp trực tuyến như mọi năm. Tới dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đại diện nhiều bộ, ban ngành.
Phương án tổ chức kì thi quốc gia sẽ được thảo luận nhằm hướng tới sự thống nhất về quan điểm, thay đổi về nhận thức của các cấp quản lý trong ngành GD-ĐT, là điểm đột phá trong lộ trình thực hiện nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, bước đầu nhằm thay đổi phương pháp dạy học, đánh giá ở bậc phổ thông.
Điểm chung của các phương án do Bộ GD-ĐT công bố là kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ thực hiện ngay vào năm 2015. Kỳ thi này sẽ nhằm hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng cho việc xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ và các trường nghề.
Với kỳ thi quốc gia này, việc xét tốt nghiệp sẽ dựa trên kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả thi) sẽ khép lại.
Việc tuyển sinh sẽ giao chủ động cho các trường ĐH-CĐ. Hoặc các trường sẽ căn cứ vào kết quả của kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, hoặc sẽ vừa căn cứ vào kết quả của kỳ thi quốc gia, vừa tổ chức thêm các hình thức kiểm tra, xét tuyển khác. Tuy nhiên, không bắt buộc các trường phải sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia mà có thể có đề án tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng theo yêu cầu và đặc thù đào tạo.
Điểm đổi mới quan trọng của cả ba phương án trên là môn ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc nằm trong số các môn thi tốt thiểu để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trước mắt, những học sinh, nhà trường chưa đủ điều kiện về dạy học ngoại ngữ thì không bắt buộc phải thi môn nọoại ngữ và cũng không phải thi môn thay thế môn nọoại ngữ như đã quy định ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây.
Với việc tổ chức một kỳ thi quốc gia cho hai mục đích, Bộ GD-ĐT dự kiến các trường ĐH-CĐ sẽ có trách nhiệm phối hợp với các địa phương triển khai các khâu coi thi, chấm thi. Mỗi tỉnh, thành có thể có một số cụm thi tập trung. Các điểm thi là trường THPT và trường ĐH-CĐ. Bộ GD-ĐT sẽ thảo luận với các tỉnh để quyết định phương án thành lập cụm thi quốc gia.
Ba phương án được Bộ GD-ĐT công bố chỉ có những điểm khác biệt ở quy định hình thức thi.
Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT gồm Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (bên trái) và các Thứ trưởng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Đến tham dự hội nghị có đại diện các Sở giáo dục đào tạo và các trường đại học, THPT của cả nước - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Phương án 1, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ vẫn thi theo môn học truyền thống với 8 môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải bắt buộc thi 4 môn, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số 5 môn thi còn lại. Ngoài 4 môn này, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác để sử dụng kết quả vào việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Dự kiến các năm sau năm 2015 sẽ có thể bổ sung thêm các môn thi như giáo dục công dân, công nghệ, tin học và môn ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc.
Đề thi theo phương án 1 đảm bảo yêu cầu hầu hết thí sinh đáp ứng được các nội dung mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng để tốt nghiệp THPT. Còn học sinh có học lực từ trung bình khá trở lên mới đáp ứng được yêu cầu các nội dung ở mức độ vận dụng cao để có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi (yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó).
Phương án 2, sẽ tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Các bài thi gồm bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi tự nhiên (tổng hợp từ các môn học vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi xã hội (tổng hợp từ các môn lịch sử, địa lý).
Các năm sau năm 2015, nếu chọn phương án “thi theo bài” này, Bộ GD-ĐT cũng sẽ bổ sung kiến thức của các môn giáo dục công dân, công nghệ, tin học vào các bài thi và chuyển dần từ việc ra câu hỏi độc lập của mỗi môn thi bằng câu hỏi có tính tích hợp kiến thức liên môn. Với phương án này, thí sinh sẽ phải bắt buộc thi 4 bài để xét tốt nghiệp THPT gồm bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài tự chọn trong số bài thi tự nhiên hoặc xã hội
Phương án 3 sẽ có 4 bài thi tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ 11 môn học của lớp 12 THPT gồm toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, tin học, công nghệ, ngoại ngữ. Các bài thi sẽ gồm bài thi toán-tin ( gồm môn toán và môn tin), bài thi khoa học xã hội ( gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ) và bài thi ngoại ngữ.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phương án 3 gọn nhẹ hơn (thi trong 4 buổi, với 2 ngày). Nhưng có khó khăn cơ bản là giáo viên và học sinh chưa kịp chuẩn bị đón nhận cách thức thi nên có thể gây lo lắng. Nếu thực hiện ngay trong năm 2015 thì cần phải nỗ lực rất lớn để chuẩn bị ở tất cả các khâu, trong đó quan trọng nhất là khâu ra đề, chấm thi. Việc ra đề thi tổng hợp nhiều môn học, lại sử dụng cho mục đích công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ nên khó khăn hơn. Khâu chấm thi cũng phức tạp hơn khi phải có nhiều giáo viên các môn học khác nhau cùng chấm các bài thi tổng hợp liên môn.
Theo VĨNH HÀ - NGỌC HÀ/Báo Tuổi trẻ