Cử tuyển, quả ngọt và thách thức

12:06, 04/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2007 đến tháng 6.2013, tỉnh Quảng Ngãi có 348 sinh viên cử tuyển trong tổng số 409 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp, được tiếp nhận về công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của 6 huyện miền núi trong tỉnh. Nhờ được đào tạo cơ bản và bố trí công việc phù hợp, số sinh viên này đã và đang phát huy tốt kiến thức, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển KT-XH tại địa phương. Song, chính sách này qua thực tiễn cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế.

Quả ngọt cử tuyển

Từ xã Trà Bình, hướng theo ngọn núi Cà Đam, con đường heo hút dài gần 15km dẫn tôi đến xã Trà Bùi (Trà Bồng), một trong những xã miền núi nghèo nhất tỉnh ta. Trước đây, nguồn nhân lực qua đào tạo của xã thiếu trước hụt sau. Từ năm 2001, thực hiện chế độ cử tuyển, những học sinh người dân tộc thiểu số đầu tiên của huyện Trà Bồng đã được gửi đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp công lập trong nước. Hiện nay phần lớn các em đã tốt nghiệp và được đưa về công tác tại địa phương.

 

Chị Hồ Thị Vân đang chăm sóc bệnh nhân tại Trạm y tế xã Trà Tân.
Chị Hồ Thị Vân đang chăm sóc bệnh nhân tại Trạm y tế xã Trà Tân.


Tại trạm y tế xã Trà Bùi, chị Hồ Thị Hảo là một trong những  trường hợp như vậy. Gia đình đông con, cha mất sớm, tưởng như việc học của chị đã dừng lại khi tốt nghiệp THPT. Cơ hội đến khi năm 2003, theo chế độ cử tuyển của địa phương, chị Hảo được xét vào học ngành hộ sinh tại Trường Trung cấp Y tế Quảng Ngãi. Khi tốt nghiệp, chị được phân công công tác tại Trạm Y tế xã Trà Bùi.

Chị Hảo chia sẻ: “Nhờ được bố trí đúng ngành nghề đào tạo nên bản thân mình phát huy được kiến thức, năng lực chuyên môn. Sau 8 năm đi làm, giờ công việc và cuộc sống đã ổn định”. Gia đình chị Hảo có 4 anh chị em được đi học theo chế độ cử tuyển, trong đó có 3 người đã ra trường, về công tác tại địa phương. Chị Hảo chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ học phí, học bổng và chi phí ăn ở nên chúng tôi yên tâm học tập. Thực sự, nhờ chế độ cử tuyển mà cuộc sống gia đình tôi tốt hơn rất nhiều”. Cũng như chị Hảo, chị Hồ Thị Vân xã Trà Tân được cử đi học tại Trường Trung cấp Y tế Quảng Ngãi ngành vệ sinh phòng dịch vào năm 2002. Hiện nay, chị Vân là một trong những nữ y tá “vững tay” và năng nổ, được bệnh nhân và đồng nghiệp mến phục tại Trạm Y tế xã Trà Tân.

Ở huyện Tây Trà, chị Hồ Thị Thảo (xã Trà Phong) cũng là sinh viên cử tuyển theo chỉ tiêu năm 2006 của huyện. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Quy Nhơn ngành sư phạm Địa lí, năm 2011, chị về giảng dạy tại Trường THCS Trà Thọ. Hiện nay, chị Thảo công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Tây Trà và đã thể hiện được năng lực của mình. Theo ông Đỗ Văn Cường - Phó Ban Dân tộc tỉnh, trong 348 sinh viên cử tuyển đã được phân công công tác, có 309 em được bố trí công việc đúng ngành nghề đào tạo, chiếm 88,8%. Những sinh viên này hầu hết phát huy tốt kiến thức đã học và hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều em được bố trí, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể cấp huyện, cấp xã miền núi.

Còn nhiều bất cập

Chính sách cử tuyển thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong đào tạo nhân lực cho các huyện miền núi, nơi có điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, trong số 409 sinh viên cử tuyển đã ra trường thì hiện còn 61 em chưa được phân công công tác.

Nguyên nhân chính do UBND các huyện không xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo, trong khi đó, biên chế hành chính sự nghiệp của huyện đã hết chỉ tiêu. Đồng thời, có 12 sinh viên cử tuyển bỏ học giữa chừng, phần lớn đều thuộc huyện Tây Trà và học hệ đại học.

Giải thích vấn đề này, ông Phạm Sơn - Phó Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà cho biết: “Điều kiện gia đình khó khăn là nguyên nhân chính khiến các em bỏ học giữa chừng. Hiện nay, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn thấp nhưng chi trả không kịp thời. Các em đi học đều thiếu thốn nên phải làm thêm mới trang trải đủ, từ đó dẫn đến việc học sa sút, không theo kịp kiến thức nên bỏ học. Bên cạnh đó cũng có trường hợp nhiều em thiếu nỗ lực trong học tập”.

Ngoài ra, mặt bằng học lực của sinh viên cử tuyển còn thấp, việc chọn ngành nghề và bậc học chưa được tư vấn và định hướng phù hợp, khiến các em chọn trường quá sức, hoặc chọn ngành không có nhu cầu sử dụng. Trong cơ cấu ngành nghề, bậc đào tạo, có đến 90,4% sinh viên cử tuyển học bậc đại học, tập trung ở các ngành bách khoa, y dược và kinh tế, còn bậc cao đẳng và trung cấp phù hợp hơn với năng lực của các em, thuận lợi trong bố trí công việc cũng như lập thân, lập nghiệp lại bị “xem nhẹ”, chiếm chưa tới 10%.

Theo ông Đỗ Văn Cường, trong điều kiện hiện nay và các năm tiếp theo, biên chế hành chính và sự nghiệp cơ bản không được tăng thêm, việc quyết định số lượng học sinh cử tuyển cần phải hết sức chặt chẽ, phù hợp với chủ trương, tránh tình trạng học cử tuyển xong không bố trí được việc làm, gây lãng phí nguồn nhân lực và ngân sách nhà nước.


Bài, ảnh: Hà Xuyên
 


.