Gian truân đời công nhân - Kỳ 2: Ai chăm lo cho công nhân?

09:05, 09/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãii)- Là một trong những lực lượng tiên phong trên con đường đưa đất nước đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thế nhưng, một bộ phận không nhỏ công nhân đang “sống khó”. Vì những lý do khác nhau mà nhu cầu thiết yếu tối thiểu của công nhân vẫn chưa được đáp ứng...

TIN LIÊN QUAN

Thiếu sân chơi

Dạo quanh các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn các KCN, KKT, cụm công nghiệp làng nghề… dường như không thấy một sân chơi thể thao nào. Có chăng chỉ là những sân bóng làng dành cho thanh niên địa phương.

Việc thiếu sân chơi lành mạnh cũng là tác nhân khiến cho đời sống tinh thần của công nhân lao động trở nên “mệt mỏi” hơn sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhu cầu của công nhân cũng khác nhau theo giới tính. Nữ thì chọn phòng trọ ngủ vùi, còn nam công nhân thì quán cà phê, quán nhậu...

 


Tại những dãy nhà trọ ở xã Bình Đông (Bình Sơn) thuộc KKT Dung Quất, với hơn 10 phòng trọ nhưng chiều ngày cuối tuần chỉ có hai phòng có người ở, còn lại cửa đóng im lìm. Hỏi ra mới biết, số thì tranh thủ về quê thăm gia đình, số đang đi dạo. “Mấy anh chị ra quán cà phê, quán nhậu hết rồi, cuối tuần không có việc làm nên cũng buồn. Tụi em hẹn bạn đến chơi rồi chứ không thì phòng cũng cửa đóng then cài như mấy phòng kia thôi” – chị Lê Thị Thu, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nói.

Còn anh Nguyễn Duy Hưng, công nhân đang làm việc tại KCN Tịnh Phong thì bảo: “Cuối tuần tìm sân chơi khó lắm! Hôm nào rảnh và tập trung được đội hình thì mấy anh em công nhân rủ nhau vào Quảng Ngãi thuê sân mi ni đá bóng và sau đó cùng nhau… “giải khát” kết thúc một tuần làm việc. Lương chẳng bao nhiêu nhưng nhậu nhẹt biết là tốn tiền, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng “nhốt” mình trong phòng trọ mãi cũng chán”.

Ông Đoàn Tri Thắng - Chủ tịch Công đoàn Công ty điện tử Foster cho rằng, để công nhân có được sân chơi lành mạnh và hoạt động đều đặn không phải dễ. Bởi, bên cạnh tính chất công việc, phần thì doanh nghiệp còn có nhiều khó khăn nên tạo sân chơi lành mạnh cho công nhân cũng ở mức tương đối. “Đối với doanh nghiệp như Foster, ban giám đốc luôn quan tâm đến tổ chức công đoàn nhằm tạo ra sân chơi cho công nhân thường xuyên trong năm như hội thi thể thao dành cho chị em phụ nữ; Ngày hội Foster… nhiều công nhân tỏ ra rất thích thú với các hoạt động này” – ông Thắng chia sẻ.

Thực trạng thiếu sân chơi cho công nhân đang diễn ra ở hầu hết các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Để có một sân chơi thật sự đúng nghĩa, công nhân lao động thường chỉ có thể tham gia các hoạt động thể thao vào các dịp lễ, hội. Nhưng không phải công nhân nào cũng có điều kiện đến với những hoạt động này. Tuy nhiên, những sân chơi mang tính chất “đến hẹn lại lên” như thế này cũng không nhiều và cũng không thể “lấp đầy” nhu cầu của công nhân lao động.

“Mỗi năm Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với Công đoàn BQL KKT Dung Quất tổ chức từ 15 đến 18 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động tập thể khác cho công nhân. Tuy nhiên, còn thiếu nhiều so với nhu cầu của công nhân. Ngoài ra, các thể loại khác như tranh ảnh, sách báo, sân bóng, cụm sinh hoạt ngay tại chỗ cũng không có nên rất khó khăn. Ở KKT chỉ có Doosan Vina là chăm lo hoạt động thể thao cho công nhân, còn lại hầu hết hoạt động tự phát là chủ yếu”, ông Phạm Hùng - Phó Phòng Quản lý doanh nghiệp - Văn xã, KKT Dung Quất nói.

Muốn nâng cao trình độ cũng… khó

Bên cạnh thiếu sân chơi cho hàng ngàn lao động đang làm việc tại các KCN, KKT, thì việc muốn nâng cao trình độ cho công nhân cũng khó thực hiện. Lý do là giờ giấc lên công xưởng của công nhân quá “dày”; các doanh nghiệp ở các KCN, KKT xa các trung tâm đào tạo... gây ra những bất tiện cho công nhân muốn được đi học thêm để nâng cao trình độ.

Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ “Đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” nêu rõ: “…Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng tri thức hóa giai cấp công nhân là nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân…”.

“Đi học sao được khi đồng lương làm ra chỉ đủ các khoản chi phí trong sinh hoạt và tằn tiện phòng ốm đau thôi. Bây giờ có muốn đi học nâng cao trình độ và nâng cao thu nhập cũng không dễ. Thiệt tình thì cái khó nữa là giờ giấc làm việc và thời gian biểu lên lớp cũng “vênh” nhau nên có muốn cũng khó” – anh Võ Hữu Tứ, làm việc tại Nhà máy may Vinatex Quảng Ngãi chia sẻ.

Tràn ngập nỗi lo

Là lực lượng tiên phong tạo ra sản phẩm công nghiệp, hiện đại, thế nhưng bên cạnh những khó khăn về vật chất, tinh thần thì câu chuyện “bếp núc” như tình yêu đôi lứa; nơi gửi con… cũng khiến không ít công nhân đau đầu.

“5 giờ sáng phải thức dậy và chạy xe máy xuống TP.Quảng Ngãi đi xe đưa đón công nhân của công ty ra KKT Dung Quất làm việc, mãi đến gần 7 giờ tối mới về đến nhà thì yêu đương làm sao được... Thu nhập chỉ tương đối, thời gian hạn hẹp nữa nên cứ về đến nhà tắm rửa, cơm nước xong là chỉ muốn đi ngủ. Chỉ có cuối tuần mới tụ tập bạn bè vui bữa” – Anh Nguyễn Văn Kỳ, công nhân Công ty Doosan Vina tâm sự.

Còn với đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Bình -Trần Thị Tuyết, làm việc tại KKT Dung Quất thì bảo, nhiều lúc vợ chồng cũng dự tính mua miếng đất ở Vạn Tường xây nhà ở cho tiện đường đi lại. Nhưng rồi ý tưởng đó nhanh chóng xếp lại khi mà suy đi tính lại, anh chị không khỏi băn khoăn khi khó tìm được nhà trẻ ưng ý để gửi con, thế là đành… sáng đi chiều về.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

*Kỳ 3: Xây dựng nhà ở cho công nhân- “bài toán” khó



 


.