(Báo Quảng Ngãi)- Theo thống kê, các khu công nghiệp và khu kinh tế, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện có đến hơn 20 nghìn công nhân làm việc. Và hơn 1/2 trong số đó đang có cuộc sống chật vật, khó khăn. Dường như với họ để có một nơi ở tốt, thu nhập đủ sống, có sân chơi giải trí sau giờ làm hay nhà trẻ để gửi con… vẫn còn là những điều xa vời.
Kỳ 1: Cuộc sống của công nhân nghèo
|
Đồng lương “gầy”
Nắng tháng 4 như đổ lửa bên trong những nhà xưởng của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn KCN Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi. Buổi trưa, vào giờ tan tầm, tại một doanh nghiệp chế biến gỗ mỹ nghệ, những công nhân với bước chân uể oải rời phân xưởng tìm đến căn-tin hay dưới những tán cây ăn trưa. Số khác thì ra nhà xe trở về nhà, phòng trọ sau 4 giờ đồng hồ làm việc.
Chị Nguyễn Thị Thư, quê xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) cho biết, giờ phải tranh thủ ghé chợ mua ít đồ ăn về lo bữa trưa. Theo chị Thư, nếu làm đủ và tăng ca, mỗi tháng chị nhận mức lương khoảng 4,2 triệu đồng. Còn bình thường lương 3,2 triệu đồng/tháng. “Tăng ca thì có tiền nhưng kiệt sức lắm. Cả tuần chỉ dám tăng ca một hai buổi thôi. Ham tiền mà đổ bệnh xuống thì có mà cầu cứu người nhà” – chị Thư tâm sự.
Công nhân mua sữa giảm giá trước cổng KCN Tịnh Phong sau giờ tan ca. |
Còn anh Hiến, công nhân Công ty Hải Phú, KCN Quảng Phú thổ lộ, mặc dù đã làm việc gần 2 năm ở đây, nhưng hiện mức lương của anh cũng chỉ hơn 3,5 triệu đồng/tháng. “Để có tiền trang trải cho cuộc sống mình phải “cày” cả những ngày cuối tuần. Tháng nào mà nhận vài ba cái thiệp mời đám cưới, thì tháng đó phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ sống qua tháng được” – anh Hiến chia sẻ.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN, hiện các doanh nghiệp trả lương theo mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, thu nhập bình quân của người lao động hiện giờ ở hai KCN Tịnh Phong, Quảng Phú và KKT Dung Quất dao động ở mức 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Bùi Văn Lai - Trưởng Phòng Quản lý lao động – Ban Quản lý các KCN cho rằng, với mức thu nhập như hiện nay, trong khi giá cả sinh hoạt tăng cao, công nhân phải tiết kiệm, tính toán kỹ trong chi tiêu. Số tiền thu nhập hàng tháng chỉ đủ cho nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt. “Lương thấp, cộng với giá cả tăng cao nên chừng ấy thu nhập không thể nào có dư được. Bởi các chi phí khác như ăn, ở, hiếu hỉ, các chi tiêu cá nhân, phải dành dụm phòng khi ốm đau, phụ giúp gia đình... nên với mức lương hiện nay, cuộc sống của công nhân đang rất khó khăn” – ông Lai nói.
Khổ vật chất…
Mức thu nhập thấp nên nhiều công nhân sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Dạo một vòng các khu dân cư gần KCN Tịnh Phong dễ dàng bắt gặp những dãy nhà trọ, chật chội và những chợ vỉa hè, chợ di động mọc rải rác để phục vụ nhu cầu của công nhân. Ngay trước cổng KCN Tịnh Phong là những gian hàng ăn nhanh mỗi sáng phục vụ nhu cầu tiết kiệm tiền và thời gian của công nhân với giá 10.000 đồng/suất ăn.
Xóm Hàng Da, thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), được công nhân làm việc trong các doanh nghiệp ở KCN Tịnh Phong gọi là “xóm nhà trọ”. Bởi ở đây có đến hàng chục dãy nhà trọ người dân xây dựng cho công nhân thuê. Hầu hết lao động thuê trọ ở đây là công nhân nữ và cuộc sống của họ khá chật vật.
Tại một căn nhà trọ cái nóng hầm hập từ mái tôn proximăng dội xuống. Đang bật quạt hết công suất để xua đi cái nóng và ăn vội bữa cơm trưa để chuẩn bị lên công ty làm việc, chị Nguyễn Thị Ngọc, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), cho biết, do thu nhập thấp và để tiết kiệm chi phí đi lại nên chị và hai nữ công nhân khác cùng thuê một phòng trọ để ở. “Tiền phòng, điện, nước hết 250 ngàn đồng/tháng, rồi tiền ăn, tiền chi tiêu… đủ thứ hết nên nếu không tính toán chi tiết là coi như không có dư” – chị Ngọc tâm sự.
…Nghèo tinh thần
Cuộc sống của công nhân ở các KCN, KKT, cụm công nghiệp có thể gói trong 8 chữ “khổ về vật chất, nghèo về tinh thần”. Trong đó, không phim ảnh, không sách báo, không du lịch, không giải trí... chỉ có nhiều giờ làm thêm! Chính cái khổ về vật chất đã kéo theo cái nghèo về tinh thần.
Thực tế hầu hết các dãy trọ công nhân đều không có ti vi, báo, hay các phương tiện nghe nhìn khác. “Mình chủ yếu xem thông tin qua điện thoại và nghe nhạc thôi, chứ suốt ngày ở công ty thì mua ti vi làm gì, mà có muốn thì cũng không có tiền để mua” – chị Hồ Thị Thanh, quê tỉnh Gia Lai, trọ tại xóm Hàng Da, xã Tịnh Phong tâm sự.
Theo ông Lê Hồng Hà - Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện cơ sở hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa chưa hình thành trong các KCN như trạm xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, câu lạc bộ và các loại hình vui chơi giải trí khác. “Có chăng chỉ là những buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ hay giao lưu các trò chơi nhỏ lẻ. Những thiếu hụt trên phần nào tác động đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người lao động. Trong đó có những nhu cầu tối thiểu nhất mà lẽ ra họ phải được đáp ứng” – ông Hà nói.
Còn ông Phạm Hùng - Phó Phòng Quản lý doanh nghiệp – Văn xã, Ban Quản lý KKT Dung Quất, cho rằng, giữa thực trạng và chủ trương còn quá xa vời. “Chúng ta nghĩ đến vấn đề này lâu rồi, nhưng thực tế hiện tại thì việc làm chưa nhiều. Đời sống công nhân còn khó khăn, doanh nghiệp cũng chỉ lo “chạy đua” làm ăn tránh thua lỗ trong thời buổi khó khăn hiện nay, nên việc chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân là rất hạn chế, dù Ban Quản lý KKT cũng có phối hợp với Công đoàn KKT tổ chức các hoạt động văn hóa cho công nhân” – ông Hùng nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
*Kỳ 2: Ai chăm lo cho công nhân?