Hiệu quả từ xuất khẩu lao động

12:03, 25/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo chủ trương xóa đói giảm nghèo, đồng bào xã Ba Xa (Ba Tơ) đã bước ra khỏi làng sang nước ngoài lao động. Đây là địa phương có số lượng đứng nhất nhì tỉnh về xuất khẩu lao động.

Hành trang họ mang ra nước ngoài không có gì ngoài sức trẻ, sự quyết tâm lao động bằng đôi tay của mình để mong đổi đời. Nhiều người lao động trở về có cuộc sống khá giả hơn người dân trong làng. Đến nay, có người đã đi lại lần hai và hướng anh em, vợ chồng tiếp tục ra nước ngoài lao động...

Quyết tâm đổi đời

Đứng trên đầu dốc thôn Ba Ha, Nước Như, ông Phạm Văn Tín - Chủ tịch UBND xã Ba Xa chỉ tay về các ngôi nhà ngói mới nằm dưới các thung sâu như niềm tự hào: "Đó là nhà anh Phạm Văn Hua, tiếp đến là nhà anh Phạm Văn Ua và nhà... Cứ thế, theo cánh tay chỉ của ông Tín, những vệt đỏ nhấp nhô bên những ngôi nhà sàn nằm nép mình dưới rặng cây xanh nơi đại ngàn.

 

Nhờ nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động mà anh Phạm Văn Ua đã thực hiện được ước mơ làm nhà kiên cố.
Nhờ nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động mà anh Phạm Văn Ua đã thực hiện được ước mơ làm nhà kiên cố.


Từ Ba Ha nhìn theo đường chim bay thì gần, nhưng đến nhà anh Hua, anh Ua phải vòng qua các con đường dốc, băng qua những con suối cắt ngang. Trong ngôi nhà mới xây của anh Ua còn thơm mùi vôi mới, nền nhà lát gạch hoa. Chị gái anh Ua liệt kê: "Ngôi nhà này trị giá hơn 100 triệu đồng. Xây dựng từ năm 2012. Số tiền này quá lớn đối với gia đình. Nhà đông anh em nên cái ăn còn chưa đủ, lấy tiền đâu làm nhà. Nhờ thằng Ua đi xuất khẩu lao động đấy!".

Ở đầu làng thôn Ba Ha, cũng có một  ngôi nhà khá kiên cố nằm trên đồi. Dân làng bảo đó là nhà của anh Phạm Văn Hua. Căn nhà là thành quả sau 3 năm anh Hua rời làng đi lao động ở nước ngoài.

Gia đình anh Hua thuộc diện nghèo nhất làng. Nhà cửa tạm bợ, hằng năm đến mùa mưa, vợ chồng anh lo sợ cảnh nhà dột nát. Anh Hua nghĩ, có an cư mới lạc nghiệp. Khi nghe xã phổ biến chủ trương ra nước ngoài lao động, anh đã tìm hiểu và đăng ký. Ngày lên đường, anh mang theo sự quyết tâm lao động và hy vọng sang xứ người kiếm được số tiền kha khá để làm nhà.  Khi trở về, cuộc sống chưa khá giả nhiều, nhưng anh dành dụm toàn bộ số tiền để xây dựng ngôi nhà khang trang này.  

Dân làng thấy anh Hua, anh Ua ra nước ngoài lao động có tiền làm nhà, mua sắm các vật dụng như tivi, xe máy nên đã khuyên con em mình noi theo. Từ năm 2009 đến nay, toàn xã đã có trên 100 thanh niên đi xuất khẩu lao động, chủ yếu là ở Malaysia. Đồng tiền góp nhặt từ xứ người họ mang về bù đắp các khoản thiếu thốn trong gia đình. Có người cho con em mình ăn học, mua sắm xe máy, đặc biệt là ai cũng nghĩ đến chuyện làm nhà cửa kiên cố. Ở các sườn đồi Ba Xa, ngói mới đã mọc lên kể từ khi thanh niên đi xuất khẩu lao động trở về ngày càng nhiều.

Trở về rồi lại đi...

Các gia đình có người đi xuất khẩu lao động cuộc sống thay đổi hẳn. Từ cách ăn mặc, sắm sửa các vật dụng trong gia đình đã khác xưa, khác những gia đình nghèo trong làng. Chính sách xuất khẩu lao động đã làm khởi sắc vùng quê tận cùng phía tây nam của huyện Ba Tơ.

Nhiều lao động sau khi trở về xây dựng nhà cửa khang trang, họ không ở nhà hưởng thụ mà quyết định đăng ký đi lao động trở lại lần hai, với niềm hy vọng mới, như anh Hua. Xác định ở địa phương mình không có việc làm ổn định nên anh bàn với vợ gửi con cho ông bà rồi hai vợ chồng đăng ký sang Malaysia làm việc trở lại. Đến nay, đã hơn một năm, anh vẫn liên lạc thường xuyên với gia đình và gửi tiền về cho ông bà nuôi con. Còn anh Ua, cũng có suy nghĩ như anh Hua. Sau khi làm nhà xong, xác định mình tuổi còn nhỏ, chưa có vợ con ràng buộc nên anh đã ra Hà Nội xin làm việc ở một công ty từ Tết đến nay. Anh có nguyện vọng, khi đủ tiền sẽ đăng ký ra nước ngoài lao động tiếp.

Ông Phạm Văn Xí - Cán bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xã Ba Xa, cho biết: Sở dĩ thanh niên nơi đây mạnh dạn đi lao động nước ngoài ngày càng nhiều là do quê mình còn nghèo quá. Đa số thanh niên trong xã nghỉ học sớm, chủ yếu có trình độ từ lớp 6 - 7. Những thanh niên này đâu thể xin việc làm ở các cơ quan nhà nước, nhưng có thể đi xuất khẩu lao động phổ thông. Xã hiểu cái khổ của bà con, hiểu từng hoàn cảnh của thanh niên nên khi có chủ trương, đã  vận động họ đi xuất khẩu lao động... Hằng năm, có nhiều thanh niên trở về có tiền mua sắm các vật dụng đắt tiền, cả làng thấy thế nên càng tin tưởng vào công tác xuất khẩu lao động. Vì thế, chỉ tiêu xuất khẩu lao động ở Ba Xa trong những năm qua đều đạt và vượt. Xã đã được cấp trên khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác xuất khẩu lao động.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.