Giáo viên mầm non: "Bóp bụng" trực trưa

09:02, 19/02/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nhằm hạn chế tình trạng lạm thu, Sở GD&ĐT không cho phép thu tiền trực trưa trả cho giáo viên trực trưa tại các trường mầm non công lập có tổ chức bán trú 2 buổi/ngày. Điều này đã khiến giáo viên phải chịu thiệt thòi trong khi thời gian làm việc vượt quá quy định.

TIN LIÊN QUAN

* Vừa ăn vừa canh trẻ ngủ
 
Thời gian gần đây, dư luận thiếu thiện cảm, phản ứng gay gắt trước thông tin cô nuôi dạy trẻ bạo hành trẻ em. Nhưng có lẽ ít người biết và hiểu nổi vất vả, nhọc nhằn của những giáo viên mầm non.
 
Những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, chúng tôi tìm về Trường Mầm non xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). 12 giờ trưa, sân trường vắng vẻ không một bóng người. Bên trong các phòng học được đóng cửa, tắt điện để các cháu dễ đi vào giấc ngủ, chúng tôi tận mắt chứng kiến hình ảnh cô giáo vừa bưng tô cơm ăn vội trong phòng vừa canh giấc ngủ cho trẻ.

 

Khi các cháu chìm vào giấc ngủ trưa là lúc các cô giáo ăn vội bữa trưa vừa trông các cháu ngủ.
Khi các cháu chìm vào giấc ngủ trưa là lúc các cô giáo ăn vội bữa trưa, vừa trông các cháu ngủ.
 
Cô Trần Thị Thanh Tâm- giáo viên phụ trách lớp lá chia sẻ: “Trẻ vừa ăn xong, mình phải lau nhà thật sạch rồi trải nệm cho các cháu ngủ. Lúc cháu ngủ cũng là lúc cô giáo vừa ăn cơm vừa phải chăm trẻ từng li từng tí. Cháu nào hụt chăn cô phải chỉnh sửa, cháu nào nằm nghiêng cô lại nhẹ nhàng đưa bé về tư thế nằm ngửa. Đó là chưa kể có hôm có cháu bị sốt bất thường, mơ ngủ đánh bạn…”.
 
Ngày làm việc của các giáo viên thường từ 11 đến 12 giờ mỗi ngày. Buổi trưa, khi trẻ ngủ, các cô giáo vừa canh giấc cho trẻ vừa tranh thủ làm đồ chơi, đồ dùng học tập. Ngần ấy thời gian trẻ ở trường là bấy nhiêu thời gian cô giáo phải tập trung cao độ.
 
* Vất vả, nhọc nhằn, tủi phận
 
Cô Đỗ Thị Kim Xuyến- Trường Mầm non xã Hành Đức (Nghĩa Hành) bộc bạch: “Nếu nói giáo viên mầm non là ngành vất vả nhất có lẽ không có gì sai. Thừa vất vả, nhọc nhằn, tủi phận, lương lại thấp”.
 
Trò chuyện với các cô giáo, tôi chợt hiểu câu chuyện của giáo viên mầm non ẩn chứa nhiều nỗi buồn. Thời buổi kinh tế thị trường, không ít phụ huynh cho rằng mối quan hệ thầy trò bây giờ cũng chẳng khác nào quan hệ khách hàng. 
 
Họ trả tiền học phí cho con đến lớp và yêu cầu giáo viên phải đáp ứng những mong muốn của họ. Nhiều phụ huynh xúc phạm, chửi bới cô giáo ngay trước mặt mọi người nếu con họ bị té ngã, bạn lỡ tay cào xướt hay các cháu đùa nghịch va chạm vào nhau... Họ đòi xử lý, sa thải cô giáo nếu cô lỡ tay trách phạt con mình bằng một một cái đánh khẽ vào mông…
 
Nếu như công chức các ngành khác thường bắt đầu giờ làm vào lúc 7 giờ 30 phút thì các cô giáo mầm non phải có mặt ở trường từ trước 6 giờ 15 phút sáng. Bắt đầu mỗi ngày bằng việc quét dọn, lau chùi phòng học sạch sẽ và chuẩn bị dụng cụ học tập để đón trẻ. Sau đó mỗi cô phải cho các cháu ăn sáng, thông thường mỗi cô phải chăm 12 cháu trở lên.

 

Các cô phải chăm sóc các cháu rất tỉ mỉ từng miếng ăn, giấc ngủ đến sinh hoạt.
Các cô phải chăm sóc các cháu từng miếng ăn, giấc ngủ đến sinh hoạt.
 
Các cô phải rất cẩn thận vệ sinh dụng cụ ăn uống bằng nước sôi. Bữa ăn của các cháu thường kéo dài rất lâu. Các cô phải tỉ mỉ đút từng miếng cơm cho các cháu mầm non. Các cô cũng là người phải lau dọn khi các bé bị nôn ói, tiểu tiện, đại tiện, cho các bé ăn đồ ăn, thức uống phụ huynh gửi kèm theo. Đó là chưa kể những bé mới đến lớp chưa quen quấy khóc, cả ngày cô giáo phải bế trên tay…
 
Sau bữa sáng là hoạt động thể dục, ngoại khoá, bài học theo chương trình quy định, kê dọn bàn ghế, chuẩn bị bữa trưa. Khi các bé ngủ trưa thì các cô lại phải tranh thủ thời gian vừa canh trẻ ngủ vừa ăn trưa và làm dụng cụ học tập. Khi các bé thức dậy, các cô lại cho ăn bữa phụ, lau chùi lớp học, bài học theo quy định, vệ sinh cho các bé trước khi phụ huynh tới đón con về.
 
Giờ đón trẻ quy định của trường là 4 giờ 30 phút đến 5 giờ chiều, nhưng có bé 6 giờ chiều mẹ mới tới đón. Cho đến khi bé cuối cùng ra về cô mới được về. Nhiều hôm chờ mãi không thấy người nhà đến đón cháu, đích thân cô phải đèo cháu về tận nhà.
 
Theo quy định, ngày làm việc 8 giờ, nghĩa là buổi sáng từ 6 giờ 15 phút đến 11 giờ 15 phút, buổi chiều từ 2 giờ đến 5 giờ là họ hết giờ làm, nhưng ở các trường tổ chức bán trú nên họ phải trực trưa gần 3 giờ mỗi ngày. Mỗi tháng các giáo viên phải làm vượt thời gian từ 66 đến 69 giờ mà không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào, trong khi các ngành khác được tính lương ngoài giờ gấp rưỡi hoặc gấp đôi giờ làm việc bình thường.
 
“Mặc dù công việc vất vả, lương bổng chẳng được là bao nhưng với lòng yêu nghề mến trẻ, chúng tôi đều cố gắng vượt qua chăm sóc các cháu hết trách nhiệm”- cô Tâm bộc bạch.
 
* Hỗ trợ trực trưa: Quyền lợi chính đáng
 
Để hỗ trợ tiền trực trưa cho các giáo viên mầm non, theo quy định trước đây, mỗi phụ huynh sẽ hỗ trợ 20.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ năm học 2013 trở lại đây, nhằm hạn chế tình trạng lạm thu, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo dừng thu tiền trực trưa của phụ huynh trả cho giáo viên tham gia trực trưa tại các trường mầm non công lập có tổ chức bán trú 2 buổi/ngày. 
 
Trong khi các trường mầm non đang triển khai bán trú 2 buổi/ngày để tiến tới phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2015. Ở bậc học mầm non, không chỉ đảm nhiệm vai trò giáo dục như các bậc học cao hơn mà các cô còn đảm nhiệm luôn cả nuôi dưỡng, chăm sóc. Điều này đã khiến giáo viên phải chịu thiệt thòi trong khi đây là quyền lợi chính đáng mà lẽ ra các giáo viên phải được hưởng.
 
Do đó, nhiều nơi, Hội Cha mẹ học sinh tự nguyện hỗ trợ cho giáo viên, có nơi 10.000 đồng/người/tháng, có nơi 20.000 đồng/người/tháng, nơi nhiều như ở TP. Quảng Ngãi 60.000 đồng đến 80.000 đồng/người/tháng. 
 
Theo số liệu từ một số trường mầm non, nếu mỗi phụ huynh đóng 10.000 đồng/tháng thì giáo viên cũng chỉ được hỗ trợ hơn 100.000 đồng/tháng. Những trường thu cao nhất là 80.000 đồng/người/tháng, cao lắm cũng chỉ được 500.000 đồng đến 700.000 đồng/người/tháng. 
 
Bấy nhiêu chưa tương xứng với công sức làm việc tăng thêm cho 3 giờ mỗi ngày của các cô, nhưng dẫu gì cũng là quyền lợi chính đáng, thể hiện sự quan tâm, khích lệ, động viên của xã hội, giúp các cô hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Tuy vậy, không phải trường nào cũng may mắn được sự đồng tình ủng hộ của các bậc phụ huynh. Nhiều trường đã 99% phụ huynh đồng ý tự nguyện hỗ trợ, nhưng còn 1% không đồng tình, họ so bì mức thu giữa trường này và trường khác nên các cô ngậm ngùi chịu thiệt.
 
Lâu nay chúng ta vẫn thường nói giáo dục mầm non được coi là nền tảng. Bởi thế, sự cống hiến, chất lượng, trình độ của giáo viên mầm non ngày được đòi hỏi cao hơn, nhưng chế độ dành cho họ dường như lại không thay đổi là mấy. “Chúng tôi rất mong có một quy định hẳn hoi về khoản hỗ trợ này để động viên giáo viên gắn bó với nghề” - cô Phạm Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Sơn Tịnh thổ lộ.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều

.