(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong buổi làm việc với Hội khoa học lịch sử Việt Nam, đã quyết định giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu và đưa vấn đề biển Đông và chủ quyền VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp với nội dung, mức độ, phạm vi và hình thức phù hợp.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra quyết định này, một quyết định không chỉ phù hợp với luật pháp, kể cả luật pháp quốc tế, mà còn phù hợp với lòng dân Việt Nam. Nó khẳng định chủ quyền vĩnh viễn và không thể tranh cãi của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Từ nhiều thế kỷ trước, Hoàng Sa và Trường Sa đã chính thức là hai quần đảo thuộc lãnh thổ và chủ quyền Việt Nam. Những ngư dân, dân binh người Quảng Ngãi, quê ở đảo Lý Sơn-Quảng Ngãi là những người đầu tiên giong thuyền ra trấn giữ và đóng cột mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rất nhiều cứ liệu lịch sử, trong đó có những cứ liệu hết sức quan trọng từ Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Âu, trong đó có cả cứ liệu bản đồ từ Trung Quốc, đã chính thức công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Việt Nam.
Trong lịch sử thế giới, có không ít trường hợp những quần đảo, vùng đất, vùng biển của một quốc gia bị quốc gia khác xâm lấn, chiếm giữ trái phép trong nhiều năm, thậm chí trong nhiều thế kỷ. Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ công bố chủ quyền quốc gia mình về những vùng đất vùng biển ấy, với sự công nhận và ủng hộ của luật pháp quốc tế, với nỗ lực phi thường nhằm cường thịnh quốc gia và không bao giờ nhân nhượng hay chịu mất dù là một tấc đất hợp pháp của Tổ quốc, cuối cùng, những quốc gia ấy đã thu hồi lại được những vùng đât bị nước ngoài chiếm đóng một cách phi pháp.
Việt Nam chúng ta nhất định thuộc về những quốc gia khẳng định chủ quyền và kiên trì đấu tranh nhằm thu hồi lại những vùng đất, những quần đảo thuộc quốc gia mình bị nước ngoài chiếm đóng trái phép ấy. Ngày Việt Nam chống Mỹ xâm lược, Bác Hồ đã nói: Dù năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng quyết giành lại Độc lập và Tự do cho Tổ quốc, thì bây giờ, dù thời gian dài gấp nhiều lần hai mươi năm, chúng ta cũng kiên trì và kiên quyết thu hồi lại Hoàng Sa cho Tổ quốc mình. Ý chí ấy, quyết tâm ấy là bất di bất dịch.
Vì thế, để cho những thế hệ người Việt Nam sống tiếp nối trên dải đất hình chữ S này có nhận thức và ý thức rõ ràng, kiên định: Hoàng Sa là của Việt Nam, thì nhất thiết, sự thật về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam phải được đưa công khai, rõ ràng, minh bạch, phù hợp luật pháp quốc tế vào sách giáo khoa từ các cấp học phổ thông lên đến đại học. Mức độ sẽ tăng dần theo trình độ nhận thức của học sinh và sinh viên. Không cho phép người Việt Nam nào, đặc biệt là những người trẻ, không có hiểu biết gì về chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách giáo khoa là văn bản pháp qui, là lịch sử chính thống được giảng dạy chính thức trong nhà trường. Nó là lòng yêu nước được cụ thể hóa bằng văn bản.
Quyết định của Thủ tướng Việt Nam nhất định sẽ được toàn dân Việt Nam ủng hộ. Và sẽ được thực hiện đầy đủ bởi các cơ quan chức năng Việt Nam có trách nhiệm.
Thanh Thảo