Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020: 90% giáo viên THPT chưa đạt chuẩn

02:12, 14/12/2013
.

 


Thông tin này được công bố tại hội nghị giao ban công tác triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2011-2013 do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Đà Nẵng ngày 11.12.
 

Chia sẻ về sức ép của đề án đối với giáo viên, PGS.TS Phan Văn Hòa nói: “Có người tìm đến tôi khóc lóc đòi tự tử nếu bị sa thải” Ảnh: Đoàn Cường
Chia sẻ về sức ép của đề án đối với giáo viên, PGS.TS Phan Văn Hòa nói: “Có người tìm đến tôi khóc lóc đòi tự tử nếu bị sa thải” Ảnh: Đoàn Cường


Theo ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đây là một đề án lớn, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều địa phương, bộ ngành và tác động đến 80.000 giáo viên, 20 triệu học sinh, sinh viên trong 10 năm.

Hiện đề án đang bồi dưỡng 600 giảng viên tiếng Anh, 670 cán bộ quản lý, giảng dạy của các trường ĐH, CĐ không chuyên; triển khai dạy mở rộng tiếng Anh lớp 6 tại 30 tỉnh thành.

Phó trưởng ban thường trực đề án Vũ Thị Tú Anh cho rằng chế độ đãi ngộ với giáo viên thấp do tiếng Anh chưa phải môn học bắt buộc ở tiểu học trong khi biên chế giáo viên bậc này rất ít.

Số tiết chuẩn 18 tiết/tuần nhưng thực tế có trường giáo viên dạy 30-40 tiết/tuần. Không chỉ vậy, qua báo cáo của 42 tỉnh thành, tỉ lệ giáo viên tiếng Anh phổ thông chưa đạt chuẩn theo quy định rất cao, gần 75% giáo viên tiểu học và 90% THPT chưa đạt chuẩn.

Về sức ép đối với giáo viên, PGS.TS Phan Văn Hòa - hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng - chia sẻ: “Những giáo viên lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn phải chịu sức ép lớn từ địa phương. Có sở dọa nếu giáo viên không đạt trình độ B1 sẽ đuổi, từ đó gây áp lực, tạo tâm lý nặng nề cho giáo viên, nhất là những giáo viên lớn tuổi công tác 20-30 năm”.

Đại diện các sở GD-ĐT cũng chưa yên lòng với nhiều vấn đề mà đề án đang triển khai. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Khoát kể câu chuyện khi ông về thăm các học sinh ở nông thôn, miền núi: “Tôi hỏi các cháu học tiếng Anh tiểu học về nhà có gì để học thì các cháu nói có bút chì, sách, có đĩa CD do trường cấp, nhưng hỏi có đầu đĩa, máy cassette để dùng đĩa không thì không có. Tuần các em có 4 tiết học, nhưng bước chân ra ngoài môi trường thì hết, học thêm thì không được”.

Từ đó, ông Khoát đánh giá sau ba năm với 420 tiết mà đạt được trình độ A1 thì rất khó khăn, nặng nề.

Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng việc bồi dưỡng giáo viên là biên chế của trường nên khi triệu tập sẽ ảnh hưởng đến công tác. Giáo viên lớn tuổi mà yêu cầu phải đi bồi dưỡng cả tuần, cả tháng thì không ổn.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chỉ đạo đề án cần “nghiêm túc, trung thực, lấy chất lượng làm đầu. Thời gian không phải là mục tiêu mà là mục đích ta đi tới đâu. Giải ngân cũng không phải mục tiêu, chuyện tiêu không hết thì Bộ Tài chính thu lại là đương nhiên”.

Ông Luận cũng nói thêm phải gắn việc giải ngân với kết quả thực hiện đề án, mua thiết bị về đắp chiếu để hỏng hóc thì phải chịu trách nhiệm.
 

Theo ĐOÀN CƯỜNG/Tuổi Trẻ Online

 


.