Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp công dân vào ngày 25 hàng tháng

01:12, 23/12/2013
.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vừa ký thông tư quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ GD-ĐT. Theo đó, Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được uỷ quyền) tiếp công dân vào ngày 25 hàng tháng.


Nếu trùng ngày nghỉ thì bố trí tiếp công dân vào ngày làm việc ngay sau đó.

Thông tư cũng cho biết, thanh tra Bộ tổ chức tiếp công dân vào các ngày làm việc trong tuần tại địa điểm tiếp công dân của Bộ. Người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một ngày và phải niêm yết công khai ngày, giờ tiếp công dân; tiếp đột xuất khi có vụ việc phức tạp. Các đơn vị trực thuộc Bộ bố trí Phòng tiếp công dân tại trụ sở chính của đơn vị. Người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, đảm bảo các điều kiện cần thiết để tiếp công dân, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Địa điểm tiếp công dân của Bộ GD-ĐT đặt tại trụ sở cơ quan Bộ (số 49, đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) và tại Cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (số 3, Công trường Quốc Tế, Quận 3).

Thẩm quyền của Bộ trưởng sẽ giải quyết khiếu nại lần đầu đối với: Quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; của công chức, viên chức và người lao động do mình quản lý trực tiếp trừ những trường hợp đã phân cấp hoặc pháp luật có quy định khác; Quyết định kỷ luật công chức, viên chức do mình ban hành.

Giải quyết khiếu nại lần hai đối với: Quyết định hành chính, hành vi hành chính đã được Chánh Thanh tra, Cục trưởng giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết; Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nội dung về giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ, đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Quyết định kỷ luật cán bộ, viên chức đã được đơn vị trực thuộc Bộ giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết; Quyết định hành chính, hành vi hành chính của người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Khi nhận được đơn của công dân gửi đến thì người đứng đầu đơn vị chức năng thuộc Bộ, người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm xem xét và xử lý. Cụ thể, đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì trực tiếp chuyển toàn bộ hồ sơ hoặc gửi đến cơ quan Thanh tra cùng cấp để thực hiện thủ tục chuyển vụ việc tố cáo cho cơ quan có thẩm quyền.

Đơn không có nội dung khiếu nại, tố cáo nhưng có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình thì xem xét, giải quyết và trả lời công dân; Đơn có nội dung khiếu nại, tố cáo, không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn công dân gửi đơn khiếu nại đến nơi có thẩm quyền giải quyết hoặc chuyển đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Bộ GD-ĐT sẽ không xem xét, giải quyết những đơn không ghi rõ ngày tháng năm viết đơn; không ghi rõ họ tên địa chỉ của người viết đơn; không có chữ ký hoặc điểm chỉ trực tiếp của người viết đơn; Đơn khiếu nại không liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; hết thời hạn, thời hiệu khiếu nại; khiếu nại đã có quyết định giải quyết lần hai; khiếu nại đã được toà án thụ lý;

Đơn tố cáo không ghi rõ tên, địa chỉ của người tố cáo; đơn tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết mà không có nội dung mới hoặc nội dung tố cáo không có điều kiện để xác minh; Đơn được gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người, trong đó đã gửi đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/2014.



Theo Báo Dân trí


.