(Báo Quảng Ngãi)- Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, trong những năm tới có khoảng 500 sinh viên hệ cử tuyển và học theo diện Chương trình 30a tốt nghiệp ra trường. Do đó, bài toán việc làm cho các em cần phải tính toán ngay từ bây giờ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bất cập trong theo dõi, quản lý
Tháng 11.2006, Chính phủ ban hành Nghị định 134/CP quy định chế độ cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động cử tuyển. Thế nhưng, qua tìm hiểu thì việc quản lý đối với sinh viên hệ cử tuyển còn nhiều bất cập. Trong đó, nhiều địa phương không hề biết học sinh do mình cử đi học ra sao và làm gì. Có trường hợp sinh viên bỏ học giữa chừng nhưng địa phương không hề hay biết. Khi hỏi về trách nhiệm, các địa phương lại “đổ” lỗi cho cơ sở đào tạo vì thiếu sự phối hợp trong quản lý.
Rất nhiều sinh viên theo học thuộc hệ cử tuyển đang lo lắng đầu ra Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng. |
Theo thống kê từ năm 2007đến tháng 6.2013, trên địa bàn 6 huyện miền núi có ba địa phương biết được số học sinh cử đi học bỏ học giữa chừng, gồm: Sơn Tây 2, Tây Trà 9 và Trà Bồng 1. Ba huyện còn lại không nắm được. Sở GD&ĐT cũng cho rằng không thể nắm bắt được sinh viên bỏ học giữa chừng, vì chỉ có một chuyên viên chuyên trách về công tác cử tuyển nên không thể nắm hết được, mà chỉ căn cứ vào quyết định buộc thôi học của các trường gửi về.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu người học bồi hoàn kinh phí nếu bỏ học cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây: “Hầu hết sinh viên đưa đi học đều có hoàn cảnh khó khăn và do học lực yếu nên đã bỏ học và giờ đôi khi địa phương còn không biết người ấy đang ở đâu thì làm sao thu hồi được kinh phí cử đi đào tạo!. Được biết, trung bình mỗi sinh viên học cử tuyển Nhà nước phải bỏ ra số tiền trên 20 triệu đồng/năm.
Hàng trăm sinh viên cử tuyển về đâu?
Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh thì trong 5 năm tới, 6 huyện miền núi sẽ tiếp nhận bố trí việc làm khoảng 500 sinh viên ra trường theo diện cử tuyển và Chương trình 30a. Đây là một bài toán khá nan giải đối với các cơ quan chức năng.
Đang theo học ngành y dược tại Trường ĐH Y dược Huế, em Hồ Thị Phan tỏ ra khá lo lắng cho tương lai của mình. “Đi học thì mừng lắm, nhưng giờ sắp ra trường rồi mới thấy lo. Các bạn học ngành khác còn có thể đổi nghề, nhưng đặc thù của ngành y thì biết làm gì đây. Chỉ mong ra trường có chỗ đi làm”, Phan tâm sự với chúng tôi qua điện thoại.
Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, việc bố trí, sắp xếp việc làm cho sinh viên theo diện cử tuyển và 30a là nhiệm vụ của các huyện. Riêng số sinh viên sắp ra trường sẽ bố trí đúng chuyên ngành để đảm bảo không lãng phí nguồn nhân lực. “Sở sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội để đào tạo có chất lượng. Còn sinh viên đã ra trường hiện sở đã làm việc với các huyện và các huyện cũng đã hứa sẽ bố trí chỗ làm cho các em”, ông Thanh nói.
Có nên tạm dừng cử tuyển?
Nhận thấy những bất cập trong chính sách cử tuyển, tỉnh ĐăkLăk đã nói không với cử tuyển từ nhiều năm qua. Còn ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó nổi lên hai quan điểm: Một là, tiếp tục cử tuyển để tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội được học tập, làm việc. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hiện nay đầu vào và đầu ra của hệ cử tuyển trình độ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến công việc của các cơ quan, nên cần phải xem lại chính sách cử tuyển.
Theo ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ thì giai đoạn hiện nay cần xem xét, đánh giá lại Nghị định 134 một cách phù hợp hơn, bởi không thể áp dụng chính sách này như bảy năm trước được. Chính sách cử tuyển là chủ trương đúng đắn nhưng nó chỉ phù hợp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Hiện nay chúng ta đang thực hiện nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh mà tiếp tục tuyển sinh cử tuyển là không còn phù hợp”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Văn Thuần- Chủ tịch UBND huyện Minh Long thì cho rằng, cái khó hiện nay trong công tác cử tuyển là làm sao tháo gỡ được nút thắt bất cập về đầu ra. “Ở Minh Long, hầu hết sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường vừa qua có học lực trung bình khá là chính, nhưng về nguyên tắc, chính sách thì chúng tôi phải tuyển dụng trước. Cụ thể, nếu như cùng là người dân tộc Hrê như nhau, nhưng một em tự đi thi đại học, tự bỏ tiền túi ra học tốt nghiệp đạt bằng khá lại không thể tuyển dụng trước mà phải “chờ” cử tuyển, trong khi cử tuyển chúng ta phải chu cấp toàn bộ kinh phí là bất cập. Do vậy cần phải nghiên cứu lại chính sách cử tuyển hiện nay. Tôi cho rằng, tùy vào từng địa phương và nhu cầu tuyển dụng thì mới xin chỉ tiêu, còn không nên tạm dừng”, ông Thuần nói.
Trước thực trạng không bố trí được việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển, ông Nguyễn Minh Trí – Phó Chủ tịch UBND Trà Bồng đề xuất, hai ngành sư phạm và y tế được đông đảo học sinh chọn để học, nhưng hai ngành này đòi hỏi chất lượng chuyên môn cao thì mới có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nên không ưu tiên cử tuyển đối với hai ngành trên. “Bởi lẽ, thứ nhất một cái ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người, một cái là ảnh hưởng đến tương lai của toàn xã hội. Do đó cần phải cân nhắc”, ông Trí nói.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC