Việc làm cho sinh viên cử tuyển - đâu là giải pháp? Kỳ 1: Đào tạo không theo nhu cầu

08:11, 14/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta đã tổ chức cử tuyển hàng trăm con em người đồng bào dân tộc thiểu số đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước. Đây là một chủ trương đúng đắn, góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cho các huyện miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính sách này cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định…

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Đào tạo không theo nhu cầu


Thống kê từ năm 2007 đến tháng 6.2013 toàn tỉnh có hơn 270 học sinh trúng tuyển được cử đi học hệ cử tuyển ở các trường ĐH, CĐ, THCN… trong cả nước. Trong đó, có gần 70 sinh viên đã ra trường nhưng chưa bố trí được việc làm. 


Đầu vào yếu

Theo báo cáo của UBND 6 huyện miền núi thì từ năm 2007- 6.2013 có 170 sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp ra trường. Hầu hết các em học tại các trường THPT trên địa bàn huyện hoặc Trường Dân tộc nội trú tỉnh, trình độ năng lực học tập trước khi bước vào học chuyên nghiệp có hạn. Ghi nhận tại Trường ĐH Tài chính- Kế toán, ĐH Phạm Văn Đồng và Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm cho thấy, kiến thức “đầu vào” của học sinh còn yếu, khả năng tiếp thu chậm do hạn chế về vốn từ tiếng Việt. Nhiều học sinh phải học lại với thời gian kéo dài, kết quả thấp.   

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong số hàng trăm học sinh được xét tuyển đi học cử tuyển thì số có học lực khá chiếm tỷ lệ thấp, học sinh xếp loại học lực trung bình chiếm trên 90%. Một cán bộ của Sở GD&ĐT cho biết, hiện nay quy trình xét và tuyển chọn học sinh đi học cử tuyển còn nhiều bất cập. Trong đó, trình độ học sinh là một vấn đề nan giải, bởi khi còn học phổ thông, chất lượng đào tạo và kiến thức học sinh tiếp thu được chỉ ở một mức độ nhất định, nên khi tham gia học chuyên nghiệp không thể “nạp” hết được kiến thức ở bậc học cao hơn. Ông Trương Lê Hoài Vũ-Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - thường xuyên, Sở GD&ĐT  cho biết thêm, việc các cơ sở đào tạo đưa học sinh hệ cử tuyển học chung với sinh viên thi đỗ đầu vào, nhất là đối với ngành y là bất cập, các em hệ cử tuyển không thể theo kịp. Đây cũng là một trong những căn nguyên dẫn đến trình độ đầu ra của sinh viên cử tuyển “có vấn đề”.
 

Theo quy định, trong quá trình tuyển chọn người đi học cử tuyển ưu tiên là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, qua tìm hiểu của chúng tôi thì từ 2007-6.2013 toàn tỉnh có 15 em là người Kinh được cử đi học cử tuyển. Cụ thể là, huyện Sơn Tây 11, Sơn Hà 2 và Tây Trà 2.

Teo tóp đầu ra

Sinh viên cử tuyển được kỳ vọng là nguồn nhân lực cho các huyện miền núi nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để vực dậy đời sống kinh tế, xã hội cho các địa phương này. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ thì toàn tỉnh hiện có 68 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường chưa bố trí được việc làm. Trong khi đó, theo Nghị định 134 thì quyền lợi của người học cử tuyển là được tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp.

Theo ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, một trong những địa phương có 22/47 sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp, nhưng chưa bố trí được việc làm là do năng lực chuyên môn còn hạn chế, không thể đáp ứng được yêu cầu công việc được giao. “Chính sách cử tuyển dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số là vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Một số ngành cử đi quá nhiều, trong khi nhu cầu ở địa phương lại không có, nên khi ra trường không thể bố trí công việc được”, ông Phong lý giải.

Còn ông Nguyễn Minh Trí-Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng thì cho rằng, bên cạnh trình độ chuyên môn thì hiện nay khung biên chế không thay đổi  và phải có 2 người nghỉ hưu mới tuyển thêm một người mới. Trong khi những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, địa phương đã tuyển dụng gần như đủ số lượng biên chế, nên đối với số sinh viên cử tuyển ra trường rất khó bố trí. Có chăng chỉ là hợp đồng lao động có thời hạn.

Đôi tay cầm phấn bây giờ cầm bay

Không chỉ sinh viên cử tuyển mới ra trường thất nghiệp, mà nhiều sinh viên cử tuyển ra trường đã được bố trí công tác  nhưng họ vẫn phải thất nghiệp. Trường hợp của chàng Cử nhân Sư phạm ngành Hóa-Sinh Phạm Văn Sứ ở xã Ba Thành (Ba Tơ) là một ví dụ. Anh Sứ chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ra trường năm 2009, anh được nhận vào dạy tại Trường THCS Ba Nam, Ba Xa và Ba Chùa. Cuối hè năm 2011, Sứ cùng một đồng nghiệp khác tốt nghiệp hệ cử tuyển và được BGH thông báo: Sang năm hai em nghỉ, trường được giao tự chủ rồi và không cần nhu cầu hợp đồng nữa. Thế là Sứ không còn làm giáo viên từ đó đến giờ. “Bao năm đèn sách có được mảnh bằng mà giờ phải đi làm thợ hồ kiếm sống”, Sứ tâm sự.

 

Thầy giáo cử tuyển Phạm Văn Sứ làm thợ hồ nuôi sống gia đình.
Thầy giáo cử tuyển Phạm Văn Sứ làm thợ hồ nuôi sống gia đình.


Không được dạy, Sứ quay về nhà mà trong lòng đầy tâm trạng. Hơn 5 tháng trời “ăn không ngồi rồi”, trong khi khoản nợ ngân hàng 20 triệu đồng tiền vay dành cho HSSV đã đến kỳ phải trả khiến vợ chồng Sứ như ngồi trên đống lửa. “Tôi trở thành thợ hồ từ dạo ấy. Tuy nặng nhọc nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình. Nhưng có một lần khiến tôi phải rơi nước mắt. Hôm đó, đang xây nhà cho một người dân ở xã Ba Chùa thì sau lưng tôi phát ra một giọng nói quen thuộc: Em chào thầy ạ! Tôi quay mặt lại thì bắt gặp cậu học trò mấy năm về trước của mình. Tôi vội gật đầu rồi quay mặt đi chứ không dám nhìn em”, Sứ kể.     

Bên cạnh đó, số sinh viên học theo diện 30a cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Không vào được các cơ quan nhà nước, các em vác đơn đi xin bên ngoài nhưng cũng chẳng đâu nhận cả nên đành quay về bám lấy ruộng nương sinh sống qua ngày.  


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 

Kỳ 2: Cần có một tầm nhìn mới


 


.