(Báo Quảng Ngãi)- “Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” là lời nói cửa miệng của người dân đối với công nhân Đội thoát nước Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi. Cách gọi đầy hài hước ấy thoạt nghe cũng thấy bùi ngùi. Bởi lẽ, giữa ồn ào của phố thị, họ lặng lẽ làm việc giữa dòng người qua lại với mong muốn những con đường không còn ngập nước mỗi khi trời mưa.
Để có được cái nhìn cận cảnh hơn về những công nhân (CN) làm công việc nạo vét cống, chúng tôi được anh Phan Xuân Đính - Đội trưởng Đội thoát nước cho theo chân mục sở thị công việc cực nhọc và nguy hiểm mà hằng ngày các anh vẫn làm.
Thầm lặng
Tại đường Võ Thị Sáu, dòng người và xe cộ qua lại tấp nập, nhưng dưới các hố ga anh em CN vẫn cặm cụi làm. Trong bộ quần áo bảo hộ, anh Trung hít một hơi thật dài rồi leo xuống hố ga ở độ sâu hơn 2m. Đưa mắt nhìn anh, tôi rùng mình, bởi khi đôi chân anh chạm đáy, cũng là lúc dòng nước thải đen ngòm ngập tới ngực. Ấy vậy mà anh vẫn nở nụ cười tươi rói. Và từ miệng hố ga, giọng ca ồ ồ của anh Trung cất lên “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để lại phần tôi”, khiến chúng tôi ôm bụng cười. Dù vậy nhưng tôi vẫn không sao chịu được mùi hôi bốc lên từ hố ga, mặc dù lúc đầu có ý định xin thử một lần xuống hố ga.
Đội của anh Trung đang vét cống ở đường Võ Thị Sáu. |
Anh Nguyễn Thơm đến vỗ vai tôi: Chú em ra gốc cây đằng kia nghỉ mát rồi lát nữa anh em giải lao thì trò chuyện gì cũng được. Đứng đây mùi kinh khủng lắm. Em không quen nó ám vào người thì khiếp lắm, xà bông thơm, rồi cả nước hoa cũng không tẩy hết đâu”. Nhưng rồi tôi vẫn tự nhủ lòng, không xuống được hố ga thì phải ở đây chứng kiến mới thấu hiểu được công việc của các anh. Anh Trung ngụp lặn dưới dòng nước đen ngòm với đủ mọi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc để nạo vét từng xô bùn đất và các chất thải dưới hố ga. Đứng ở trên, anh Lê Hồng Phú và Nguyễn Thơm gồng tay kéo lên từng xô bùn đen đặc đổ vào thùng xe. Một xô, hai xô, rồi ba xô… Xong rồi. Đến phiên các cậu đấy- Tiếng anh Trung phát ra từ miệng hố ga.
Sau hơn 30 phút “ngụp lặn” dưới hố ga, anh Trung leo lên mặt đường tiếp chuyện với chúng tôi. Rất ý tứ, anh chọn một vị trí ngồi xa và không cùng chiều gió để khỏi làm ảnh hưởng những người xung quanh. Anh Trung hài hước nói: “Thời gian đầu vào nghề, tôi thường xuyên bị đau đầu và ho. Người thân thấy tôi là bịt mũi. Nhưng đến nay thì quen rồi. 7 tuổi nghề rồi đấy!”. Với công việc nặng nhọc đó nên thu nhập của các anh cũng được từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Nỗi niềm…
Trời về trưa. Mặc cho dòng người xuôi ngược về với gia đình, các anh vẫn âm thầm làm hết hố ga này đến hố ga khác. Các anh bảo, mùa này trời về chiều thường hay mưa nên tranh thủ chứ không mất toi ngày công. Làm xong không lẽ các anh mang bộ đồ này về nhà? Tôi hỏi. Các anh đều đồng thanh trả lời: - Chứ bỏ đâu được. Vả lại người mình hôi thế này thì ai mà cho vô nhà để tắm rửa trước khi về nhà mình hả chú em! Nghe vậy, tôi thật sự thấm thía cho cái nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” của các anh. Phần lớn các anh tuổi đời còn rất trẻ và không có gì tả hết sự vất vả, khổ cực của các anh. “Làm riết rồi quen chứ mới đầu đi làm về người hàng xóm hỏi làm nghề gì mình không dám trả lời”-anh Nguyễn Thơm tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Chiến, người có 13 năm trong nghề cho biết thêm, muốn làm nghề này, người CN không chỉ có sức khỏe mà còn phải có “cái mũi vô cảm” với các loại mùi. "Bên cạnh những người cảm thông, chia sẻ với nghề thì cũng có không ít người coi chúng tôi như những người tận cùng của xã hội. Biết chúng tôi đang ở dưới hố ga nhưng họ vẫn chạy xe quá tốc độ làm cho nước đọng trên đường và bụi đổ ào trên đầu. Hay như có người còn chửi, mai mốt mấy ông chịu khó làm vào đêm khuya, làm ban ngày gây hôi thối ai mà chịu nổi…” anh Chiến kể. Cũng theo anh Chiến, nhiều gia đình thiếu ý thức cho đấu nối thẳng bồn cầu xả ra cống; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thì đổ dầu, nhớt trực tiếp xuống ống cống. Khi bị dính váng dầu, nhớt thì coi như hỏng bộ đồ. Vì vậy mà những ngày đầu đi làm, về nhà anh Chiến không thể nào ngồi ăn cơm chung với gia đình. Nhưng rồi, giờ đây vợ con anh đều hiểu và chia sẻ nên anh cũng thấy vui với nghề.
Anh Phan Xuân Đính cho biết, đội của các anh được giao quản lý 10.000m cống, trong đó nạo vét thường xuyên 2.300m. Công việc cực nhọc, vất vả nhưng cả đội chỉ có 22 người phải phân công làm theo kiểu cuốn chiếu. Ngày trước anh em nạo vét thủ công, nay có xe chuyên dụng bắn bùn ra hố ga, có dụng cụ bảo hộ nên đỡ mệt.
Tuy nhiên, nhiều tuyến cống như đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng, rễ cây ăn xuống, cống lại nhỏ, xe chuyên dụng và ròng rọc không vào được buộc anh em phải bò vào chặt rễ cây rồi mới vét bùn được. Nạo vét cống, hố ga được coi là nghề độc hại, nguy hiểm và không ít người bị các bệnh ngoài da, bệnh hô hấp, bệnh khớp... Thế nhưng, những người công nhân mà tôi gặp vẫn chưa có ý định bỏ nghề, bởi trên vai họ vẫn nặng gánh lo cơm áo, gạo tiền. Và họ rất đáng để chúng ta tôn trọng.
Bài, ảnh: Bá Sơn