Nhà bán trú bỏ không

08:10, 13/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công trình nhà bán trú cho học sinh Trường THCS bán trú Ba Vinh (Ba Tơ) được xây dựng khang trang và kiên cố, với đầy đủ các trang thiết bị như nhà ăn, công trình vệ sinh, giếng nước, phòng ở… Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, khu nhà này lại bỏ hoang.

TIN LIÊN QUAN

Thầy giáo Phạm Văn Bừng - Hiệu phó Trường THCS bán trú Ba Vinh cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số xã Ba Vinh ở xa trung tâm, cũng như học sinh xã Ba Điền xuống Ba Vinh học, năm 2001, UBND huyện Ba Tơ đầu tư kinh phí xây dựng khu nhà bán trú gồm 5 phòng cho các em ở. Thời điểm này, xã Ba Điền chưa có trường lớp, trong khi đường sá đi lại khó khăn, nhiều em phải vượt đèo, lội suối từ 5 đến 7 cây số đường rừng mới đến được trường.

Tuy nhiên, nhà bán trú xây được một thời gian thì tuyến đường Ba Vinh - Thanh An (Minh Long) được nâng cấp, nên học sinh xã Ba Điền đi về hằng ngày. Còn số học sinh xã Ba Vinh, từ năm 2010, huyện đã đầu tư xây dựng một số cầu qua sông, suối nên sau khi tan trường các em cũng về nhà. Chính quyền địa phương và thầy cô giáo vận động các em ở lại, nhưng chỉ có một vài em ở lại ít ngày rồi cũng bỏ về. Dù vậy nhưng đến năm 2011, huyện Ba Tơ vẫn tiếp tục đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây thêm 6 phòng ở mới, cùng khu nhà ăn khá khang trang và từ khi khánh thành đến nay chẳng có học sinh nào chịu ở lại.

 

Khu nhà bán trú bỏ hoang.
Khu nhà bán trú bỏ hoang.



Ông Phạm Văn Rạch - Chủ tịch UBND xã Ba Vinh, bức xúc: Khi huyện khảo sát xây dựng dãy phòng bán trú thứ 2, xã đã kiến nghị là không nên làm thêm, bởi dãy nhà cũ không có học sinh ở; chuyển nguồn vốn đó để xây dựng trụ sở UBND xã. Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp của xã không được các cơ quan chức năng của huyện quan tâm. Hậu quả là khu nhà này bỏ hoang. “Con em địa phương đa phần có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện ở lại trung tâm xã theo học, lấy tiền đâu đóng tiền điện nước cho nhà trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến các em ở được một thời gian rồi bỏ về. Để các em yên tâm ở bán trú, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các em ăn học”, ông Rạch kiến nghị.

Dù không có học sinh ở, nhưng hằng năm, huyện cũng phải chi ra một khoản tiền để bảo quản và sửa chữa. Mùa mưa bão cuối năm 2011, gió lốc làm tốc mái tôn của 3 phòng mới xây; đồng thời làm hư hỏng nhiều cánh cửa của khu nội trú. Để khắc phục, huyện đã bỏ ra 60 triệu đồng để sửa chữa. Thấy phòng bỏ không, xã Ba Vinh mượn một số phòng cho cán bộ của xã và cán bộ làm công tác địa chính của dự án VLAP ở. Một số phòng thì được trường tận dụng làm kho để bàn ghế học sinh và phòng ở cho giáo viên ở xa, số còn lại thì khóa cửa.

Bà Đinh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ cho biết: Nguyên nhân các em không ở là do các em học sinh xã Ba Vinh ở gần trường nên đi về trong ngày. Hai dãy nhà bán trú này đều do huyện làm chủ đầu tư và xây dựng cũng khá lâu rồi, nên phòng không rõ việc khảo sát nhu cầu ở lại của học sinh như thế nào. Nên chăng huyện Ba Tơ cần chuyển công năng sử dụng của khu nhà bán trú để tránh lãng phí.

 


    Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.