(Báo Quảng Ngãi)- Đào tạo nghề gắn với việc giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã góp phần vào sự thành công của chính sách an sinh xã hội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong 8 tháng của năm 2013, Sở LĐ-TB&XH đã ký hợp đồng đặt hàng với 23 cơ sở dạy nghề đào tạo nghề cho 3.913 lao động nông thôn (LĐNT). Trong đó có khoảng 80% lao động tìm được việc làm và tự tạo việc làm. Các cơ sở đào tạo nghề đều thực hiện tốt phương châm dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo.
Con em lao động nông thôn học nghề tại Trường trung cấp Nghề Quảng Ngãi. Ảnh: PV |
Tại xã Bình Thạnh (Bình Sơn), chỉ trong 7 tháng năm 2013, Hội Phụ nữ xã đã kết hợp với Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện mở các lớp chăn nuôi thú y, nuôi gà thả vườn tại xã cho 60 hội viên tham gia. Công ty vật nuôi cây trồng Dung Quất phối hợp với Hội hỗ trợ, giúp đỡ cho 4 hộ thực hiện mô hình nuôi gà tại thôn Trung An và thôn Vĩnh Trà. Ngoài cung cấp 150 con gà giống, 4 hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ 30% tiền mua thuốc phòng, trừ dịch bệnh và 30% chi phí thức ăn. Hội còn còn được Hội LHPN tỉnh tạo điều kiện tổ chức 2 lớp học nghề may công nghiệp.
Sau khi kết thúc khoá học, nhiều học viên đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Còn Hội Nông dân xã thì phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của Tỉnh đoàn tổ chức lớp học nghề chăm sóc cây cảnh cho 36 lao động trẻ; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở 8 lớp tập huấn nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả vườn và sử dụng thuốc BVTV cho trên 335 lượt người…
Công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng chú trọng đến dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4. Đây là mô hình dạy nghề đem lại hiệu quả thiết thực cho LĐNT ở các xã ven biển, hải đảo trong tỉnh.
Ông Lê Văn Hương ở xã An Vĩnh (Lý Sơn) cho biết: "Tôi là thuyền viên nhiều năm nay, mỗi khi máy tàu bị trục trặc thì cũng sửa, nhưng chỉ dựa vào kinh nghiệm. Sau khi qua lớp học nghề thuyền trưởng, máy trưởng tôi nắm được quy trình xử lý sự cố máy tàu một cách bài bản nên không còn lo lắng cho mỗi chuyến ra khơi". Ngành LĐ-TB&XH cũng triển khai nhiều mô hình thí điểm giải quyết lao động ở nông thôn, như trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, may công nghiệp tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã miền núi, xã có vùng chuyên canh rau sạch, trồng lúa, các xã có hộ dân bị thu hồi đất canh tác…
Nhân rộng mô hình dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả tốt tại các địa bàn có lao động nông nghiệp, phát triển cơ sở dạy nghề cho LĐNT với các nghề phi nông nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho LĐNT, chủ động liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tìm đầu ra cho người lao động sau khi học nghề.
Vũ Yến