Người thất nghiệp thờ ơ với học nghề

02:09, 23/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ngãi, số lao động (LĐ) thất nghiệp đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ngày càng tăng, tuy nhiên khi được tư vấn tìm việc làm mới và học nghề thì người LĐ chỉ muốn tìm việc làm mới chứ hầu như không có nhu cầu đăng ký học nghề.

TIN LIÊN QUAN


Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết, trong 8 tháng năm 2013  có 1.638 LĐ đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có 1.465 người có quyết định được hưởng trợ cấp với tổng số tiền được chi trả trên 10,8 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số lao động phổ thông, làm việc trong lĩnh vực may mặc, xây dựng, khai khoáng... LĐ đang làm việc ở các tỉnh phía Nam cũng chuyển hồ sơ về tỉnh để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Võ Duy Yên – Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đăng ký hưởng BHTN tăng là vì nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc hoạt động cầm chừng; hoặc lao động xin nghỉ việc do lương thấp. Dự báo từ nay đến cuối năm 2013, con số này sẽ tiếp tục tăng. So với các tỉnh khác thì tỷ lệ thất nghiệp ở tỉnh ta vẫn còn thấp.

 

Thanh niên người dân tộc thiểu số học nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, để tham gia xuất khẩu lao động.
Thanh niên học nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh. Ảnh T.L


Để hỗ trợ người LĐ, Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ngãi đã tổ chức tư vấn tìm việc mới và học nghề cho tất cả LĐ đến nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong 8 tháng qua, Trung tâm đã tư vấn việc làm và học nghề cho 1.283 LĐ và có 666 LĐ đã tìm được việc làm mới. Năm 2012, Trung tâm cũng tư vấn cho 1.146 LĐ và có 475 người có việc làm mới, chủ yếu là các việc làm phổ thông. Trong khi đó, con số đăng ký học nghề từ lực lượng lao động thất nghiệp này từ năm 2012 đến nay chỉ có 1 người.

Ông Yên lý giải: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc LĐ thất nghiệp không mặn mà với chuyện học nghề là do tâm lý của người lao động luôn mong muốn tìm việc làm mới để nhanh chóng có thu nhập. Việc chuyển đổi ngành nghề khác lại tốn tiền và mất khá nhiều thời gian, lại không có thu nhập. Một lý do nữa là, chính sách hỗ trợ cho học nghề còn quá thấp. Hiện nay, mỗi LĐ thất nghiệp được hỗ trợ học nghề 500.000 đồng/tháng và không quá 6 tháng học nghề, số tiền học nghề sẽ được chuyển trực tiếp cho cơ sở dạy nghề. Trong khi đó các lớp học nghề bậc trung cấp đến cao đẳng, thời gian kéo dài từ 18 đến 36 tháng, trung bình chi phí học nghề 1 tháng khoảng 650.000 đồng, chưa kể tiền sinh hoạt…Người LĐ tham gia các lớp sơ cấp nghề với thời gian tối đa là 6 tháng nhưng thu nhập cũng không cao hơn so với lao động phổ thông, cơ hội được tuyển dụng lại hạn chế, bởi trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo Phòng đăng ký BHTN, người thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành may mặc, gỗ, xây dựng… Số LĐ này qua quá trình đi làm đã có tay nghề nhờ được đào tạo tại doanh nghiệp, nên dù thất nghiệp thì họ vẫn có cơ hội tìm việc làm mới. Thêm nữa, phần lớn lao động phổ thông là nữ, có con nhỏ nên không muốn học nghề mà chỉ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong khi chờ tìm việc làm mới. Những nguyên nhân trên đã hạn chế nhu cầu học nghề của những LĐ thất nghiệp nên Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn đối với những lao động này.         

              
    Xuân Hiếu
 


.