Ở Hà Nội, chỉ cần chú ý quan sát một chút thì ai cũng có thể nhận ra một điều là lỗi chính tả nhan nhản mọi nơi. Biển hiệu quán ăn, nhà hàng ghi dòng chữ "cơm xuất", "cháo chai", "sôi thịt". Biển báo trên các tuyến đường có khi là "cấm hàng dong", "cấm giẽ trái"…
Cẩu thả, tắc trách, hạn chế về trình độ
Lỗi chính tả cũng có ở các văn bản của nhiều cơ quan, tổ chức. Theo khảo sát mới đây của Công ty cổ phần Truyền thông và Công nghệ VieGrid và Báo điện tử VietNamNet, tỷ lệ lỗi chính tả trong 67.000 văn bản của 177 đơn vị tham gia khảo sát là 7,79%, cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế (0,1%) và tiêu chuẩn do các chuyên gia ngôn ngữ trong nước đưa ra (1%). Điều đáng nói là báo chí và nhà xuất bản là những đơn vị mắc lỗi chính tả nặng nhất, có tỷ lệ lỗi trung bình lên tới 9,58%. Ở khu vực chính quyền địa phương, các cơ quan trực thuộc bộ, tỷ lệ mắc lỗi chính tả trong khâu ban hành văn bản cũng không thấp hơn là bao. Cụ thể, ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, con số này là 7,47%; tại Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tỷ lệ văn bản mắc lỗi chính tả lên tới 38,46%.
Những biển báo, biển hiệu sai chính tả vẫn còn nhiều trên đường. (Ảnh minh họa) |
Theo GS-TS Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ, chữ viết tiếng Việt là chữ viết ghi âm, một khi nói một đằng mà ghi một nẻo thì người có trình độ thấp không phân biệt được. Đặc biệt, tiếng Việt có các cặp phụ âm như n/l, s/x, tr/ch, gi/d (ví dụ: nên - lên, suất - xuất, gia - da, trung - chung) rất dễ viết sai chính tả. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sai chính tả trong nội dung biển hiệu, biển báo là do người thực hiện có văn hóa thấp, không có ý thức trách nhiệm với sản phẩm của mình. Cơ quan chức năng thì tắc trách, cẩu thả, thậm chí là non kém về mặt trình độ, bởi lẽ trước khi được trưng ra đường phố, biển báo, biển hiệu phải được ngành văn hóa thông tin duyệt từ nội dung cho đến cách bài trí, kiểu chữ.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Đức Tồn, với những tờ báo đăng tin, bài viết sai chính tả "do phương ngữ" thì có thể thông cảm phần nào, bởi lẽ với một số cặp phụ âm đặc biệt thì ngay cả các nhà văn, vốn là những người rất giỏi về ngôn từ mà vẫn viết sai chính tả. Điều đáng phê phán là trên một số báo hướng tới bạn đọc nhỏ tuổi, một số tác giả đã cố ý dùng ngôn ngữ "chat" - thứ ngôn ngữ chỉ thích hợp trong phạm vi trao đổi riêng tư, không thể đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Cách viết này đã làm méo mó tiếng Việt, ảnh hưởng không tốt tới nhận thức, thói quen của trẻ.
Không thể thờ ơ
Tình trạng viết sai chính tả đang diễn ra ở khắp nơi, mức độ ngày càng tăng, có thể ví như một loại bệnh nặng. Bệnh không thuyên giảm vì nhiều lý do, đáng kể nhất là thái độ tiếp nhận sự sai từ cộng đồng, trong đó có cơ quan quản lý về văn hóa. Những người có trình độ thấp thường không nhận ra sự sai, đương nhiên là không thể nêu ý kiến phản bác. Điều đáng nói là nhiều người có trình độ cao, nhận ra lỗi nhưng lại tỏ ra thờ ơ. Ông Nguyễn Đức Vượng, trú tại tập thể Bộ Công an (Dịch Vọng - Hà Nội) chia sẻ: "Khi mới nhận ra tình trạng sai lỗi chính tả tràn lan, tôi rất buồn. Nhưng lâu dần thì quen. Vì bức xúc thì cũng chẳng thay đổi được gì. Như lỗi chính tả trên tấm biển panô dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 vừa rồi, dân đã báo với chính quyền sở tại nhưng lỗi có được sửa ngay đâu. Mặt khác, nhìn nhiều cũng không thấy chướng mắt nữa. Miễn sao có thể hiểu nội dung mà người viết muốn truyền tải là được".
Viết sai chính tả để lại hậu quả tương đối nghiêm trọng, nhẹ thì có thể gây hiểu nhầm; nặng hơn là khi cái sai từ cá nhân người viết dẫn đến cái sai của cả cộng đồng. Điều này đặc biệt dễ xảy ra với lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng, bởi lẽ không ít người đọc cho rằng báo chính thống thì phải chuẩn, đã được duyệt kỹ lưỡng rồi nên trong nhiều trường hợp, báo đưa sai nhưng người đọc lại tin tưởng là đúng, tất yếu dẫn đến hệ quả là sự sai "lây lan trên diện rộng". Bên cạnh đó, viết sai chính tả có thể làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế vì không ít người nước ngoài cũng biết, thậm chí hiểu sâu sắc về tiếng Việt.
Theo chuyên gia về ngôn ngữ, giải pháp hiệu quả cho vấn đề viết sai chính tả là học sinh phải được dạy nghiêm túc và kỹ lưỡng ngay từ nhỏ. Với người lớn thì cần tạo thói quen sử dụng từ điển chính tả, trong trường hợp cần thiết có thể tham khảo ý kiến của các nhà ngôn ngữ học. Giải pháp sử dụng chế tài để phạt thật nặng đối với những trường hợp viết sai chính tả cũng có thể tính đến, dù điều đó chỉ giúp giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề, chưa kể là muốn phạt cũng rất khó vì hiện nay chưa có cơ quan chuyên trách nhiệm vụ này và luật về ngôn ngữ chưa ra đời.
Theo Lâm Vũ/Hà Nội mới