(Baoquangngai.vn)- Năm học mới đã trôi qua được 1 tháng, nhưng các lớp học ở Trường THCS Nghĩa An (Tư Nghĩa) vẫn trống nhiều chỗ ngồi. Tình trạng bỏ học ở vùng quê biển này đã trở thành căn bệnh "mãn tính" và là nỗi lo của ngành giáo dục và địa phương này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bỏ học có ngay xe xịn
1 giờ chiều nắng chang chang, tại bến cầu Nghĩa An, nhiều con tàu đang xuất bến ra khơi phiên biển mới. Trên những con tàu ấy, không khó để chúng tôi nhận ra có những lao động tuổi đời còn khá nhỏ.
Lẽ ra ở độ tuổi này, các em phải vô tư chơi đùa, được người thân chăm sóc, được tung tăng cắp sách đến trường. Nhưng vì thiếu sự quan tâm của người thân, cùng ham muốn sớm có tiền nên nhiều em đã không ngần ngại bỏ học.
Năm học mới đã trôi qua được 1 tháng, nhưng trong các lớp học vẫn trống nhiều chỗ ngồi. Thầy Lê Văn Thuận- Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh nghỉ ngang, bỏ dở việc học hành. Nguyên nhân thường thấy nhất là do ham chơi, học lực kém đâm ra chán nản không muốn học tiếp, muốn đi làm có tiền mua sắm điện thoại di động, xe máy... Bỏ học do hoàn cảnh gia đình chỉ chiếm số ít”.
Nghĩa An là xã ven biển, nên hầu hết học sinh nam bỏ học để đi biển, nữ thì vá lưới hoặc đi làm thuê. Theo các thầy cô giáo, thông thường học sinh nam bỏ học chưa đi biển hoặc tìm việc làm ngay mà nhiều em được các chủ ghe cho mượn tiền mua ngay một chiếc Iphone, thậm chí là một chiếc Yamaha Exiter tay côn chạy vun vút, bụi bay tung tóe khắp xóm khắp làng để thỏa niềm khao khát, chứng minh sự sành điệu của giới trẻ.
Dù năm học mới bắt đầu đã 1 tháng, nhưng tại Trường THCS Nghĩa An vẫn trống nhiều chỗ ngồi. |
Rồi nhiều học sinh đàn đúm, tụm năm tụm bảy ăn chơi, quậy phá xóm làng. Nhiều học sinh không ngần ngại vào ngay ngôi trường mà mình vừa ngồi học đánh nhau với bạn bè. Ăn chơi chán chường, nhiều học sinh bỏ học mới bắt đầu đi biển để kiếm tiền trả nợ cho các chủ ghe.
Phụ huynh thiếu quan tâm
Không phải đến bây giờ mà chục năm qua, tình trạng học sinh trong xã bỏ học đã trở thành vấn đề nan giải của địa phương. Bình quân mỗi năm có 100 học sinh bỏ học. Năm học 2010-2011 con số này lên tới 130.
Năm nào cũng vậy, ăn Tết xong và sau kỳ hè là nhiều học sinh Trường THCS Nghĩa An lại lên tàu ra biển hoặc dạt vào phương Nam tìm việc làm. Sau kỳ nghỉ hè năm học 2012-2013, Trường có gần 60 học sinh bỏ học. Gần cả tháng trời vận động chỉ mỗi mình em Trịnh Thị Kim Thảo- học sinh lớp 8G quay lại trường.
Chia sẻ về nguyên nhân bỏ học, em Thảo thổ lộ: “Bố bảo nhà khó khăn quá, nên bắt em ở nhà kiếm việc làm phụ giúp bố mẹ”. Mặc dù rất muốn được đến lớp để nuôi ước mơ trở thành một bác sỹ, nhưng Thảo đành ngậm ngùi nghỉ học đi giúp việc tại một quán cà phê.
Dù cô giáo chủ nhiệm đã đến nhà trò chuyện, trao đổi, phân tích hàng giờ đồng hồ, nhưng bố mẹ Thảo vẫn không tiết lộ em đang làm gì, ở đâu. “Học chắc gì đã xin được việc làm”- phụ huynh Thảo nói.
Không đành nhìn học trò dứt chữ, cô giáo chủ nhiệm của Thảo hỏi han khắp nơi và đã tìm ra Thảo. Động viên bố mẹ không xong, cô giáo đành nhờ sự giúp đỡ của người cậu, nhờ vậy mà Thảo được tiếp tục đến trường sau 3 tuần bỏ học.
Có thể nói, mỗi học sinh quay lại lớp học là niềm vui vô bờ của tập thể giáo viên Trường THCS Nghĩa An, bởi việc đi vận động ở đây rất đỗi nhọc nhằn. Thậm chí nhiều khi tới ngày thi học kỳ hoặc kiểm tra mà học sinh vắng, giáo viên chủ nhiệm phải đến tận nhà chở các em đến lớp.
Bỏ học vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đã đành, điều đáng buồn là không ít trường hợp con em các gia đình kinh tế khá giả cũng bỏ học vì sự suy nghĩ giản đơn của bậc cha mẹ.
Vì mưu sinh, không ít bậc phụ huynh phải bám biển 5-7 tháng liền nên con cái họ ở nhà phó thác cho ông bà trông nom hoặc đứa lớn trông đứa bé. Muốn học thì học, muốn nghỉ thì nghỉ, thậm chí có gia đình yêu cầu con bỏ học để có thêm lao động đi biển.
Vì mưu sinh, không ít bậc phụ huynh xúi giục con bỏ học để có thêm lao động đi biển. |
Họ cho rằng, học nhiều cũng chẳng để làm gì? Học chắc gì đã xin được việc làm? Mà có xin được việc làm thì chắc gì nhiều tiền hơn đi biển? Đi biển vừa kiếm được tiền, vừa không tốn tiền đi học.
Nhiều phụ huynh còn nói như tát nước vào mặt giáo viên khi đến nhà vận động các em ra lớp. Có phụ huynh bảo: “Học rồi thầy cô có lo được việc làm cho con tôi không?”. Hỏi thế thì thầy cô chỉ biết “bó tay”. "Cha mẹ suy nghĩ thiển cận như thế, trách sao con không bỏ học”- thầy Lê Văn Thuận chia sẻ.
Khó khăn trong phổ cập THCS
Nếu gọi việc học sinh bỏ học ở địa phương này là bệnh "mãn tính" cũng không có gì là sai. Năm nào cũng có cả chục học sinh bỏ học. Năm học này thầy cô Trường THCS Nghĩa An còn lo lắng hơn bởi biết chắc rằng số học sinh nghỉ học không dừng lại ở đó, mà sẽ còn tăng lên, vì xã đã hết được thụ hưởng chương trình bãi ngang ven biển năm vừa rồi.
Điều đó đồng nghĩa với việc, nhà trường phải thu học phí và các khoản thu khác theo quy định. “Đi học không tốn tiền còn không chịu học, huống chi thu tiền, chắc chắn học sinh sẽ nghỉ nhiều hơn”- một giáo viên ở Trường THCS Nghĩa An lo ngại.
Ông Đỗ Ngọc Tây- Chủ tịch UBND xã Nghĩa An bày tỏ: “Địa phương đã chỉ đạo nhà trường bồi dưỡng học sinh yếu kém, tăng cường nắm bắt các em có biểu hiện bỏ học. Địa phương cũng họp với thôn, xóm để tuyên truyền cho nhân dân để cùng với địa phương và nhà trường khống chế tình trạng học sinh bỏ học, nhưng kết quả không cao”.
Tình trạng học sinh bỏ học ở xã Nghĩa An đã đến mức báo động. Các xã ở huyện Tư Nghĩa đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS từ nhiều năm trước, chỉ còn xã Nghĩa An hiện vẫn chưa hoàn thành. Và nếu cứ kéo dài tình trạng này, thì không biết sẽ đến bao giờ, con em Nghĩa An mới theo kịp được xu thế học tập và phát triển của xã hội như hiện nay?
Bài, ảnh: Ái Kiều