Năm học 2013 - 2014 là năm học đầu tiên, ngành Giáo dục triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu ngành Giáo dục phải thực hiện trong thư gửi các thầy cô giáo và học sinh nhân dịp năm học mới.
Xây dựng nền Giáo dục và đào tạo đạt chất lượng cao là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Đặc biệt năm 2015, nước ta gia nhập Cộng đồng ASEAN, đòi hỏi nguồn nhân lực trong nước phải có đầy đủ trình độ, kỹ năng và ngoại ngữ để có thể hội nhập với thị trường lao động của khu vực cũng như thế giới. Vì vậy, chất lượng giáo dục phải có sự thay đổi cơ bản và toàn diện, gắn giảng dạy và học tập phải thực chất.
Cô giáo và học trò vui mừng chào đón năm học mới |
Trong Hội nghị bàn tròn “Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức gần đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trăn trở rất nhiều về việc dạy và học thực chất.
Hiện nay, từ cấp Tiểu học đến THPT, học sinh phải học quá nhiều nên thời gian để các em vui chơi giải trí và rèn luyện nhân cách rất ít. Chương trình học tập dày đặc, hết ôn tập kiến thức cơ bản rồi đến nâng cao đã khiến nhiều phụ huynh phải tìm đến thầy, cô giáo nhờ dạy thêm cho con.
Tuy nhiên, việc dạy thêm- học thêm lại bị “biến tướng” dưới hình thức và nảy sinh tiêu cực trong chấm điểm. Học sinh nào đi học thêm thì được điểm thi cao, còn học sinh nào không đi học thêm của cô giáo thì bài kiểm tra hoặc thi học kỳ sẽ có điểm số thấp hơn.
Câu hỏi đặt ra là liệu nhiệm vụ đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục có thể thực hiện được không khi mà năm học nào, tỷ lệ tốt nghiệp THPT ở các địa phương không thực chất, với tỷ lệ đỗ rất cao từ 98-100%?
Nhiều nhà quản lý giáo dục đã đưa ra ý kiến nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn nếu vẫn giữ kỳ thi này thì phải có sự thay đổi căn bản trong học tập, giảng dạy, tổ chức thi và đặc biệt thay đổi nhận thức của xã hội đối với một kỳ thi quốc gia.
Những đề xuất, giải pháp để chữa trị căn bệnh “chạy theo thành tích” đã có, nhưng để thực hiện và áp dụng lại là bài toán khó khi mà căn bệnh này đã “ăn sâu, bám rễ” vào tư duy của nhiều địa phương, trường học, thầy cô giáo và cả phụ huynh học sinh từ bao năm nay.
Căn bệnh “chạy theo thành tích” chưa chữa trị dứt điểm thì ngành Giáo dục còn đang phải đối mặt với hiện tượng “chảy máu chất xám” và lãng phí nguồn nhân lực.
Phải mất bao nhiêu công sức để học tập và thi cử, một học sinh mới đỗ và học hết đại học. Thế nhưng hiện nay, chất lượng giáo dục đại học gần như đang bị thả nổi khi mỗi năm, hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, dẫn đến không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề...
Đào tạo đại học không đạt chất lượng, còn đào tạo nghề thì manh mún, thiếu đồng bộ nên người học nghề không có được đầy đủ các kỹ năng để có thể cạnh tranh trên thị trường lao động.
Hàng năm, đất nước có hàng trăm thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ và đạt giải cao trong kỳ thi Olympic quốc tế đều “thờ ơ”, không muốn làm việc tại các cơ quan ở trong nước.
Đổi mới giáo dục từ thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm
Góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đưa chất lượng giáo dục thực chất thì yếu tố quan trọng nhất phải kể đến là đội ngũ người thầy.
Tuy nhiên, mới đây, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam công bố kết quả điều tra, khảo sát ý kiến giáo viên tại một số tỉnh, thành cho thấy quá bất ngờ vì có tới 50% giáo viên các cấp trả lời rằng, nếu được chọn lại nghề, họ đều không muốn chọn lại nghề Sư phạm.
Số học sinh và sinh viên “quay lưng” với nghề “trồng người” đáng báo động đối với đội ngũ nhà giáo trong tương lai và nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước.
Chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn còn hạn chế và cũng là nơi thiếu giáo viên thì hầu như chẳng thu hút được người giỏi tận tâm đến giảng dạy. Còn tại những thành phố lớn, sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm phải “quen biết” hoặc lợi dụng quen biết thì mới xin được vào một trường học nào đó.
Với đồng lương giáo viên còn thấp, cộng với xin việc khó nên trong những năm gần đây, học sinh, sinh viên giỏi không mặn mà với nghề Sư phạm là một thách thức lớn đối với ngành Giáo dục trong chiến lược phát triển đến năm 2020.
Mặc dù ngành Giáo dục đã có những chính sách đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn cũng như thu hút nhân tài “đầu quân” vào ngành Sư phạm nhưng dường như đó chưa phải là cú “huých” mạnh mẽ để kêu gọi họ gắn bó cả đời với nghiệp “trồng người”.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam mà không chú trọng đến đào tạo và thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm thì đổi mới ấy thật vô nghĩa!
Nếu cơ sở vật chất có thiếu thốn, chương trình sách giáo khoa còn đơn điệu nhưng trường học có những thầy cô giáo đạt trình độ cao, tâm huyết với nghề thì vẫn có thể đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, trong thư gửi thầy cô giáo và học sinh nhân dịp năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa kêu gọi ngành Giáo dục cần quan tâm hơn đến đời sống của đội ngũ giáo viên.
Năm học mới đang đến với biết bao nhiệm vụ nặng nề đặt ra với ngành Giáo dục. Mục tiêu thu hút được người giỏi gắn bó với nghề Sư phạm cũng như có được sự thay đổi căn bản về dạy và học thực chất, chấm dứt “bệnh” thành tích trong thi cử không phải dễ dàng thực hiện.
Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể le lói niềm tin và hy vọng ngành Giáo dục có thể thực hiện được điều đó nếu như có sự thay đổi căn bản và toàn diện từ những nhà quản lý giáo dục đến từng thầy cô giáo cũng như sự ủng hộ của toàn xã hội./.
Theo Chu Miên/VOV online