* TRẦN ĐĂNG
(Baoquangngai.vn)- Đúng lịch thì còn vài hôm nữa mới khai giảng năm học mới nhưng hầu như trường nào cũng cho học sinh đến lớp cách nay cả tuần, thậm chí nhiều trường đã dạy cách nay nửa tháng rồi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhưng học sớm hay học đúng ngày khai giảng đâu có ảnh hưởng gì nhiều, cũng không làm các bậc phụ huynh bận tâm mà mối lo của phụ huynh là năm học này, học phí có tăng không? Các khoản “ngoài sổ sách” tăng lên bao nhiêu? Đồng phục cho con mấy bộ? vân vân và vân vân. Có lẽ đó là mối lo thường trực của phụ huynh vào mỗi kỳ khai giảng. Tuy nhiên, năm học này, cả phụ huynh lẫn học sinh đều có thể “thở phào”, không phải vì các khoản đóng góp giảm mà là chuyện “cải cách”. Đó là, với học sinh lớp một thì không cho điểm nữa; học sinh mẫu giáo thì bỏ dạy chữ như lâu nay nữa.
Ảnh minh hoạ - Internet |
Tính “ưu việt” của hai sự thay đổi trên đây, còn phải đợi thời gian kiểm chứng, song các bậc phụ huynh có con đang học mẫu giáo hay lớp một đều ủng hộ chủ trương này. Ai có con đã từng học lớp 1 đều mắc phải thói tật này mỗi khi đón bé vào cuối buổi chiều: Con bữa nay có được điểm 10 không? Hễ đứa trẻ nào nhanh nhảu trả lời “có” thì bố mẹ vui, đứa trẻ nào “làm thinh” thì chắc là không được điểm 10 rồi nên bố mẹ …buồn xo.
Chính khuôn mặt bố mẹ “buồn xo” ấy đã vô tình gây cho trẻ một áp lực về điểm số không đáng có. Với đứa trẻ 6 tuổi, chúng chả hiểu “phấn đấu” là gì đâu, nhưng hai từ ấy luôn được người lớn “bơm” vào đầu đứa trẻ nếu cháu không được điểm 10.
Các cháu cảm thấy sợ hãi nếu liên tục không được điểm 10 và khuôn mặt bố mẹ chúng luôn buồn khi con “học kém”. Lâu ngày thành quen, hoặc là chúng trơ lỳ ra đó, ra sao thì ra, hoặc bố mẹ phải “chạy chọt” đến thầy cô đang dạy để “gửi kèm”, sao cho có điểm 10 thì mới …hả dạ.
Điểm 10 rồi cũng sẽ có, nhưng nhiều khi, đó lại điểm do “học thêm” chứ không phải điểm thực của đứa trẻ. Cũng vì lẽ đó mà không ít trường tiểu học, cả khối lớp 1 có đến 99% là học sinh giỏi! Bỏ cho điểm lớp 1 không phải là “cào bằng” mà cái chính là để “giải phóng” áp lực về điểm số, trong đó có cả bệnh thành tích nữa cho cả phụ huynh lẫn học sinh.
Nếu phụ huynh có con học lớp 1 “thở phào” với việc không cho điểm thì những ai có con đang học mẫu giáo cảm thấy nhẹ nhõm hơn với chủ trương “không dạy chữ” đối với các cháu.
Thực ra lâu nay, ngành giáo dục vẫn nghiêm cấm các trường mẫu giáo dạy chữ cho các cháu. Tuy nhiên, việc “bí mật” dạy chữ cho trẻ mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 thì vẫn được các trường tiến hành và ngành giáo dục cũng thừa biết nhưng làm lơ.
Không phải các cô bảo mẫu thích “thêm việc” mà là do chương trình lớp 1 quá nặng nề. Quy định là vậy nhưng khi vào lớp 1, các cháu chưa kịp làm quen với chữ cái thì “chương trình” đã bắt đầu phi mã rồi. Nếu các trường mẫu giáo và phụ huynh nào “cả tin” là không dạy chữ trước thì coi như các cháu sẽ “bơi” với chương trình lớp 1 ngay.
Năm học mới có hai điều mới như thế. Hy vọng đó sẽ là những điều thiết thực với tất cả phụ huynh và con em chúng ta./.