“Bệnh” lười đọc sách

01:09, 30/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách, đó là con số mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013. Con số này làm nhiều người quan ngại: Văn hóa đọc liệu có đang ở mức báo động? Qua kênh báo chí, tôi được biết, ở Malaysia, cách đây 10 năm, mỗi người dân đã đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10 đến 20 đầu sách/năm.

Tại các nước Châu Âu, con số này còn lớn hơn nhiều. Dù chưa có một con số thống kê chính xác, đầy đủ nhưng rõ ràng với 0,8 cuốn sách mỗi năm, tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam là quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có nhiều người cho rằng, giá sách hiện nay còn cao so với mức thu nhập của số đông người dân, chất lượng sách chưa tốt, số sách ít ỏi được phân bổ tại các thư viện  bình quân chỉ đạt 0,35 bản/người là những nguyên nhân chính  gây ảnh hưởng lớn tới việc tiếp cận sách của người Việt. Lý lẽ như vậy chỉ đúng một phần.

 

Đọc sách sẽ giúp chúng ta tích lũy được nhiều tri thức. Ảnh: Internet
Đọc sách sẽ giúp chúng ta tích lũy được nhiều tri thức. Ảnh: Internet


Theo chúng tôi thì nguyên nhân chính nằm ở phía chủ quan của chúng ta, đó là ý thức đọc sách để tích lũy tri thức vẫn còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, ngay cả nhiều học sinh, sinh viên ngày nay, lứa tuổi thích khám phá, tìm tòi kiến thức, cũng rất lười đọc sách. Nhiều trường phổ thông hiện đã có hẳn một phòng thư viện, với hàng ngàn đầu sách các loại thế nhưng số học sinh đến thư viện ngày vẫn rất thưa vắng.

Ngoài ra, nhiều trường ĐH, CĐ đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, khang trang, như Thư viện đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh,  Trung tâm thư viện đại học Bách Khoa, Kinh tế quốc dân ở Hà Nội… Đầu tư thì lớn nhưng tính hiệu quả của nó còn thấp, vẫn chưa “hút” được nhiều sinh viên, khi mà ý thức sử dụng thư viện, đọc sách, tìm kiếm tư liệu phục vụ cho công việc học tập còn  hạn chế. Sinh viên chỉ chăm chỉ tới thư viện khi vào các mùa thi cuối kỳ tháng 12 và tháng 6. Còn thời điểm khác, những ngày thường, các thư viện phần lớn rơi vào tình cảnh thưa thớt sinh viên. Chỉ có các phòng Internet ở thư viện các trường đại học luôn là điểm thu hút, đông đảo sinh viên tới lui nhất. Song cũng thật đáng buồn, nhiều cô cậu sinh viên đến đây, với mục đích học tập thì ít, chủ yếu là  "say" với  sử dụng wifi, Internet miễn phí thì nhiều.

Học sinh, sinh viên đã thế, còn nhiều đối tượng là cán bộ công chức, giáo viên, giảng viên… chuyện đọc sách, nghiên cứu tài liệu ở họ cũng không có gì khá hơn. Họ có 101 lý do để rất ít hoặc không đọc sách: Không có thời gian; hoàn cảnh gia đình, kinh tế eo hẹp, khó khăn, phải làm thêm; tuổi tác, sức khỏe hạn chế; vốn kinh nghiệm là đủ rồi khỏi đọc sách…

Thống kê gần đây cho biết, số lượng tiến sĩ, thạc sĩ của Việt Nam vào loại nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng số lượng công trình khoa học, bài báo khoa học được đăng trên những tạp chí uy tín trên thế giới lại thấp nhất. Nhiều người Việt ta, trong đó có giới trí thức, khoa học mà lại  sớm và tiếp tục “quay lưng”, thờ ơ với thư viện, với đọc sách thì làm sao khoa học, trí tuệ Việt Nam một ngày nào đó có thể sánh ngang bằng với thế giới được? Các nước trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới này đều có tỷ lệ người yêu sách, đọc sách rất cao.

Dẫu cho đã có nhiều hình thức khác để chúng ta thư giãn, giải trí, tìm tòi, học tập nhưng việc thường xuyên đọc sách sẽ giúp chúng ta tích lũy được nhiều giá trị tri thức sâu sắc và lâu bền nhất.


ĐỖ TẤN NGỌC
 


.