Vượt sông theo chữ ở thượng nguồn

03:08, 25/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa nước cạn, thượng nguồn sông Trà trơ ra đá là đá, còn mùa mưa, nước sông dâng cao như muốn nuốt chửng mọi thứ. Vậy mà đã bao mùa nắng mưa đi qua, gần 50 học sinh ở thôn Chàm Rao, xã Sơn Nham (Sơn Hà) vẫn miệt mài vượt sông theo con chữ…

TIN LIÊN QUAN

6 giờ sáng một ngày hạ tuần tháng 8, tôi theo ông lái đò Đinh Anh - người đã ngót chục năm làm nghề chèo đò ra “bến” sông để chở học trò qua sông đi học. Nói là “bến”, chứ thực ra đó chỉ là một mỏm cát nhỏ doi ra nơi triền sông và bị “nuốt chửng” khi mùa lũ tràn về. Đứng bên này sông nhìn qua bên kia bờ toàn đá là đá. Những mỏm đá lởm chởm “dàn trận” dày đặc dưới lòng sông. “Mùa lũ thì sợ nước, còn mùa cạn thì sợ đá. Chèo không khéo là ghe va vào đá ngay”- ông Anh bảo.

 

Học sinh chen chúc nhau trên chiếc ghe nhỏ để đến lớp.                      Ảnh: Ý THU
Học sinh chen chúc nhau trên chiếc ghe nhỏ để đến lớp. Ảnh: Ý THU


Chưa đầy nửa tiếng sau, hàng chục học sinh từ bậc tiểu học đến THPT của thôn Chàm Rao bắt đầu chạy ùa ra ghe để đến lớp. Không áo phao, không phương tiện bảo hộ, lũ trẻ cứ thế chen nhau leo lên ghe giành đi trước khiến ông Anh phải  nhắc nhở lắm chúng mới chịu ngồi im để đảm bảo an toàn. Vừa chèo đò, ông Anh vừa chuyện trò: “Sông sâu, nước chảy xiết mà chúng nó vô tư lắm. Tính mạng con người, đâu thể giỡn chơi”.
 

“Nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và chủ đò để thông báo cho các em nghỉ học vào những hôm mưa lớn, nước sông dâng cao. Trường hợp học sinh đã đến trường mà gặp mưa lớn thì nhà trường sẽ bố trí phòng cho học sinh ở lại để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em”, thầy Mai Hồng Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Sơn Nham cho biết.

Ở thôn Chàm Rao, con trẻ đi học từ nhỏ đến lớn đều phải vượt sông mới đến được điểm trường. Học sinh tiểu học, trung học thì học ở trường tiểu học và THCS Sơn Nham nằm bên kia sông. Còn học sinh cấp 3 thì vượt sông để đi học ở Trường THPT Quang Trung (xã Sơn Hạ-Sơn Hà). Băng sông bằng đò chỉ tốn tầm 5 phút, còn nếu đi bằng đường bộ thì phải đi vòng từ 10-20 km. Vì vậy, dù biết nguy hiểm, nhưng các phụ huynh đều “bấm bụng” để con đến trường bằng đường sông.  “Nếu đưa con đi học bằng đường bộ, cả đi - về cũng hơn 20km. Để con đi bộ xa quá thì không nỡ, nhưng nếu chở đi thì lại không có thời gian. Hơn nữa nếu đưa đón thì đổ xăng xong, chẳng còn tiền mua gạo”- anh Đinh Tùn, lặng lẽ dõi theo đứa con đang qua sông rồi tâm sự.

Chèo đò đã bao năm ở khúc sông này, nên ông Đinh Anh thuộc làu hình dáng và vị trí từng mỏm đá. Khúc sông nào sâu, đoạn sông nào cạn, ông đều nhớ kỹ trong đầu. Lúc chèo, ông thành thục dẫn ghe vòng vèo để tránh những mỏm đá sắc nhọn chực chờ có thể đâm thủng ghe. Bàn tay ông vừa thoăn thoắt cầm mái chèo vừa dùng sào tre cắm xuống nước để dò nông sâu.

Mùa nắng chật vật với “trận đồ” của đá, còn mùa mưa thì ông lái đò phải “vật lộn” với nước lũ và luôn thấp thỏm không yên khi nước dâng cao che lấp hết các mỏm đá, trở thành những cái bẫy nguy hiểm. Lúc ấy, nếu người chèo đò mà không dày dạn kinh nghiệm thì ghe sẽ rất dễ bị va vào đá. Chỉ tay về phía ngọn tre cao tít nằm ngay mé sông, em Đinh Thị Kiều Lan, học sinh lớp 11B3, Trường THPT Quang Trung lo âu: “Mùa lũ, nước sông dâng lên ngập cả ngọn tre này. Vậy nên em gói ghém quần áo, sách vở rồi xin phép bố mẹ ở luôn nhà người bà con để đi học chứ chẳng dám đi ghe qua sông”. Được biết, hằng năm mỗi khi gần vào mùa mưa bão, UBND xã Sơn Nham đều trích từ nguồn kinh phí phòng chống lụt bão của địa phương để hỗ trợ áo phao cho học sinh.

 


Mặc dù phải vượt qua không ít chông chênh trên con đường đến trường, nhưng phụ huynh và học sinh ở thôn Chàm Rao vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ con chữ. Đồng hành cùng những học sinh vượt sông tìm chữ là bóng dáng của một ông lái đò mỗi đêm giông bão đều chạy ra bến sông 4-5 lần tát nước mưa ra khỏi ghe để giữ cho chiếc ghe khỏi bị chìm. Cả ông và chính quyền địa phương đều mong một cây cầu bắc ngang qua thượng nguồn sông Trà Khúc này để người dân xóm Chàm Rao không còn phải phập phồng lo sợ cho con cái mỗi khi mùa lũ về.    

   
                  Bài, ảnh: Ý THU
 


.